Công tác chỉnh trang đô thị và trật tự đô thị với công cuộc xây dựng thành phố Vĩnh Yên xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

09.11.2015 ACVN Office

Thành phố Vĩnh Yên với vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích tự nhiên trên 50km2, dân số trên 15 vạn người; thành phố có 9 đơn vị hành chính, gồm 7 phường, 2 xã.

Cùng với sự phát triển của thành phố Vĩnh Yên, công tác quản lý đô thị nói chung và công tác chỉnh trang, duy trì trật tự đô thị của thành phố nói riêng cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố Vĩnh Yên xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Xác định đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của công tác chỉnh trang đô thị, trật tự đô thị đối với sự phát triển của thành phố, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, giám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh, thành phố về phát triển đô thị. Đặc biệt, công tác chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự đô thị được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Cụ thể là: Ngay sau khi tiến hành kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, BTV Thành uỷ Vĩnh Yên đã xác định 9 nhiệm vụ cấp bách cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay và UBND thành phố đã đề ra 03 nhiệm vụ đột phá, trong đó có nhiệm vụ “Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai, xây dựng”. Do đó, nhiệm kỳ 2010-2015, công tác chỉnh trang đô thị, trật tự đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được quan tâm thực hiện chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển đô thị, đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội. Giai đoạn 2010-2015, thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 46 đồ án QHCT, quy hoạch các khu đất dịch vụ, tái định cư và đấu giá QSD đất với diện tích 3.693,235 ha; tiến hành phê duyệt quy hoạch theo phân cấp 18 khu đất dịch vụ với diện tích 67,86 ha; Quy hoạch chi tiết 34 trường học từ bậc Mầm non đến THCS và khu đất dịch vụ, tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất, khu nhà ở cho cán bộ CNV và nhân dân,... với tổng diện tích trên 120ha; Điều chỉnh QHCT 09 đồ án như: Cắm mốc giới hồ Đầm Vạc, Khu đô thị VCI xã Định Trung,... với tổng diện tích là 197,854ha.  

- Công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị được tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh và UBND thành phố quan tâm đầu tư; được các nhà đầu tư (doanh nghiệp) bỏ vốn đầu tư xây dựng. Do vậy, đã tạo cho Vĩnh Yên một diện mạo mới của đô thị phát triển với nhiều công trình kiến trúc, các khu đô thị hiện đại, chất lượng cao như: Khu đô thị Lạc Hồng, Khu trung cư thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, nhà hát và công viên Quảng trường Hồ Chí Minh.v.v… Giai đoạn 2011-2015, riêng thành phố đã thực hiện 568 dự án với tổng mức đầu tư được duyệt 3.860 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện dự kiến đạt 2.835 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư XDCB trong 5 năm 1.610 tỷ đồng. Việc phân bổ, giải ngân và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đúng quy định, góp phần kìm chế nợ đọng XDCB. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng với 24 công trình, dự án về lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và điện trang trí; cải tạo, bổ sung cây xanh, vườn hoa; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, vỉa hè,v.v… đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Vĩnh Yên theo hướng văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, hiện nay thành phố đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn thực hiện dự án “Phát triển các đô thị loại II - thành phố xanh tại Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

- Công tác phát triển giao thông của thành phố được thực hiện theo Đề án phát triển giao thông thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2011-2015. Kết quả: đã thực hiện bê tông hóa trên 76,29km đường giao thông với tổng số vốn đã đầu tư khoảng 312,803 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (trong đó: ngân sách tỉnh là 94,084 tỷ đồng; ngân sách thành phố là 159,833 tỷ đồng; ngân sách xã, phường là 58,828 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 0,0053 tỷ đồng); lát được 155.000m2 hè đường (tăng 55.000m2 theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra). Hệ thống giao thông nội thị và đối ngoại của Vĩnh Yên đã được Trung ương, tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và thành phố Vĩnh Yên nói riêng. Cụ thể như: đường vành đai thành phố, Quốc lộ 2, 2B, 2C, đường tránh Vĩnh Yên,v.v...

- Công tác quản lý trật tự đô thị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi diện mạo đô thị, làm chuyển biến căn bản ý thức của người dân, được du khách thập phương đánh giá cao và được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể là: Ngày từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Vĩnh Yên đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 27/01/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 30/9/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong công tác quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và UBND các xã, phường xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm đất đai tồn tại từ lâu chưa được giải quyết; đã tổ chức tháo dỡ trên 1.000 mái vảy, lều lán xây dựng trái phép, thu giữ hàng nghìn biển quảng cáo, bàn ghế và đồ dùng, vật phẩm khác vi phạm trật tự đô thị; giải tỏa được nhiều tụ điểm họp chợ dưới lòng đường, vỉa hè để kinh doanh trái phép đã hình thành từ lâu như: Chợ ngã 5 Gốc Vừng, bến xe Dốc Láp, Cổng bệnh viện Đa khoa tỉnh, đường Nguyễn Viết Xuân, Khu vực Công viên Quảng trường tỉnh,v.v… góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, làm cho thành phố gọn gàng, ngăn nắp, văn minh, sạch đẹp.

- Công tác quản lý dịch vụ công ích được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đã có những giải pháp quản lý hữu hiệu đem lại kết quả đáng khích lệ, tạo nên một đô thị khang trang, văn minh, hiện đại. Hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí và đèn tín hiệu giao thông của thành phố thường xuyên được kiểm tra, sữa chữa kịp thời; hệ thống cây xanh thường xuyên được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, đảm bảo mỹ quan đô thị; hệ thống thoát nước thường xuyên được duy tu, khơi thông cống rãnh để đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa bão, tránh gây ngập úng kéo dài; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đã đi vào nền nếp góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường của thành phố. Đặc biệt, thành phố đã tiến hành thực hiện thành công 02 chủ trương lớn là: xã hội hóa và đấu thầu việc cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích đô thị của thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 03 đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thông qua đấu thầu, do đó đã tạo ra sự cạnh tranh và tạo ra sản phẩm đầu ra tốt hơn, đô thị gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.

Đạt được những kết quả nêu trên thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ban ngành của tỉnh; sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của các ban, ngành của thành phố và UBND các xã, phường; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Vĩnh Yên.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, để thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, góp phần xây dựng thành phố Vĩnh Yên xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững, hướng tới đô thị xanh, công tác chỉnh trang đô thị, trật tự đô thị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ đột phá sau:

1. Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính từ ngân sách và ngoài ngân sách và tập trung ưu tiên đầu tư cho công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng của thành phố. Trong đó:

Về việc thu hút nguồn vốn: ưu tiên thu hút các nguồn vốn từ các chương trình tài trợ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ như: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) xây dựng thành phố đô thị loại II - thành phố xanh; Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc âu tài trợ thực hiện dự án thoát nước đô thị bền vững kết hợp với nông nghiệp đô thị v.v…

Về việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật: ưu tiên đầu tư các công trình cấp thiết như nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; nhà hóa thân hoàn vũ; hệ thống cấp nước sạch; nâng cấp, cải tạo hoàn thiện đồng bộ hệ thống thoát nước, hệ thống đường giao thông như đường vành đai 2, đường song song với đường sắt, đường từ Kim Ngọc đi đường tránh Nam Vĩnh Yên; đầu tư kè, nạo vét các hồ, đầm trên địa bàn thành phố để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị và chống lấn chiếm mặt nước.

2. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy đảng và chính quyền từ thành phố đến cơ sở đối với công tác chỉnh trang đô thị, trật tự đô thị. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia giám sát của nhân dân, của cộng đồng đối với Chủ tịch UBND các xã, phường và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đứng đầu cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn. Tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành ủy điều chỉnh Chỉ thị số 05-CT/TU ngày ngày 27/01/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục lãnh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 27/01/2011, Kế hoạch số 06-KH/UBND ngày 18/01/2011 về lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.

3. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị từ thành phố đến cơ sở. Trước mắt, cần tập trung lãnh chỉ đạo các phòng, ban chức năng của thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác quản lý đô thị thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2016-2020 trình Thành ủy, HĐND thành phố xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu của đề án đã đề ra.

4. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, trước hết là giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp. Quán triệt tinh thần xây dựng thành phố Vĩnh Yên trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững là nội dung cơ bản, xuyên suốt, thường xuyên của từng ngành, đơn vị, từng xã, phường từ đó xây dựng chương trình, kếh hoạch hành động và thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng dân cư đô thị, để người dân biết và tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác quản lý đô thị, hình thành nếp sống văn minh đô thị.

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn