Mở rộng không gian đô thị để xây dựng và phát triển thành phố Nam Định văn minh, hiện đại

29.02.2024 ACVN Office

Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định

Nhằm xây dựng thành phố Nam Định tương xứng vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và là đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, mục tiêu thành phố đề ra đến năm 2025 là: “Phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Mở rộng địa giới hành chính thành phố. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao”. Để thực hiện thắng lợi, có hiệu quả mục tiêu đó, thành phố đang nỗ lực, khẩn trương triển khai các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Không gian đô thị thành phố Nam Định. (Ảnh: Viết Dư)

Điều chỉnh quy hoạch chung nhằm nhanh chóng đầu tư phát triển đô thị

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tập trung cho xây dựng và phát triển thành phố Nam Định. Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, thành phố Nam Định đã nhanh chóng cụ thể hóa và hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung; công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Triển khai quy hoạch phân khu phía nam sông Đào với các dự án tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kịp thời cho công tác xây dựng, phát triển thành phố.

Sau 3 năm tập trung quyết liệt cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển, thành phố Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội và các mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 99,61%. Các ngành công nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng có giá trị gia tăng cao, khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Khu công nghiệp Hòa Xá, Cụm công nghiệp An Xá đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý duy trì mức tăng trưởng khá, năm 2023 tăng 14,34% so với cùng kỳ năm 2022. Hệ thống thương mại dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đa dạng các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng; kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đã thu hút các tập đoàn, công ty bán lẻ thương hiệu lớn đầu tư siêu thị, chuỗi cửa hàng các quy mô như GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim, Media Mart, Vinmart; Thế giới sữa; thúc đẩy phát triển các thương hiệu của địa phương như Minmart, Thành Nam Food... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 tăng 14,31% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; có giá trị kinh tế cao của các xã ngoại thành làm chủ lực như: hoa, cây cảnh, rau sạch,... gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đạt 108,27 triệu đồng. Các mô hình được phát triển mạnh. Nhiều sản phẩm nông sản chế biến sâu được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản.

Về đầu tư hạ tầng, các nguồn lực đã được tập trung huy động để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối hai bên sông Đào; kết nối các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2020-2023 vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 49.466,248 tỷ đồng; riêng năm 2023, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 17,69%. Các dự án được Trung ương, tỉnh và thành phố đầu tư đã tạo sự phát triển mạnh mẽ cho thành phố như: cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10 - Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nam Định, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía nam tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào.

Dàn nhạc nước tại Quảng trường Hòa Bình - công trình mới được cải tạo nâng cấp chào mừng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định. (Ảnh: Viết Dư)

Cùng với các khu đô thị, khu tái định cư hiện có như: Hòa Vượng, Dệt may, Thống Nhất, Nam sông Đào, Bãi Viên, Phúc Trọng, Lưu Hữu Phước…, thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh như: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh, Phú Ốc, các khu dân cư Lương Xá, Vạn Diệp... để giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Ngoài ra thành phố tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như: Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có quy mô 700 giường, Quảng trường Hòa Bình, các tuyến đường nội đô, các tuyến đường đã xuống cấp, các công viên, hồ điều hòa, trang trí các đảo giao thông, cải tạo, xây mới các trường mầm non, tiểu học, THCS... cải tạo diện mạo thành phố.

Mở rộng địa giới hành chính tạo đà cho sự phát triển đột phá

Theo Quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt, thành phố Nam Định mở rộng sẽ có diện tích 120,9km2, gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc; gấp khoảng 2,6 lần so với hiện nay. Thành phố sẽ có vị thế và nền tảng để đầu tư phát triển theo xu hướng mới: hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững. Trong đó sẽ có các khu đô thị là điểm nhấn mới như khu vực phía nam sông Đào với các công trình đô thị tiện ích; các chức năng đô thị - dịch vụ - công nghiệp thu hút đầu tư với công nghệ thông minh, xanh; tạo không gian phát triển mới cho Thành Nam cổ với không gian xanh, sinh thái ven sông có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, nông nghiệp, mang đến nhiều cơ hội sinh kế mới cho cộng đồng. Tạo kết nối thành phố Nam Định với các trọng điểm kinh tế biển phía nam của tỉnh.

Thành phố Nam Định tập trung đầu tư, phát triển theo quy hoạch mới với sông Đào là trục xương sống; phát triển thành phố cả hai bên sông. Với quy mô địa giới mới, thành phố sẽ hình thành 3 vùng phát triển: vùng phát triển đô thị trung tâm với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh; vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc khu vực huyện Mỹ Lộc là đô thị tổng hợp phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hoá đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố (về các xã thuộc thành phố và huyện Nam Trực), dọc vành đai 1 và trục đường mới song song với Quốc lộ 21 hướng đi xuống phía nam sẽ phát triển đô thị dịch vụ thương mại mới, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Sản xuất tại Nhà máy Sợi thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định. (Ảnh: Xuân Thu)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn như Quốc lộ 21, 21B, 38B (kết nối thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc); Quốc lộ 10, 38B (kết nối với các tỉnh phía Nam); Quốc lộ 10, 21, 21B (kết nối với khu kinh tế Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh đường ven biển); đường trục trung tâm phía nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển... có ý nghĩa quan trọng để tạo sự đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Đó sẽ là nền tảng, tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu phát triển thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30, ngày 23-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của thành phố Nam Định. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng thành phố Nam Định ngày càng văn minh, hiện đại./.

(Theo baonamdinh.vn)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn