Lâu nay, hình ảnh quen thuộc của đô thị Việt Nam là các cửa hàng được bố trí ở tầng trệt, với những cánh cửa mở rộng và nằm dọc trên các con đường nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường. Vậy điều gì sẽ xảy ra với những nếp sống quen thuộc thường nhật của người Việt khi cảnh quan đô thị thay đổi?
Đặc biệt, khi người dân bắt đầu có xu hướng di chuyển nơi ở của mình từ những ngôi nhà phố sang các tòa nhà căn hộ/chung cư, sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội?
Cuộc sống đô thị đang thay đổi
Theo ông Greg Ohan, Giám đốc công ty nghiên cứu bất động sản và quản lý tài chính toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) tại Việt Nam, các đô thị ở Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Đó không chỉ là sự thay đổi về kiến trúc mà còn là sự thay đổi trong kinh tế và xã hội trên cả nước. Từ đó dẫn đến sự thay đổi trong lối sống đô thị tại Việt Nam, đòi hỏi phải có những không gian công cộng tại đô thị.
Greg Ohan, Giám đốc JLL Việt Nam |
“Cuộc sống đường phố” là một loại hình rất phổ biến của người dân thành thị ở châu Á. Tại Việt Nam, loại hình này thường giống như một không gian đô thị công cộng. Không giống như các thành phố cổ điển ở châu Âu, thay cho các quảng trường rộng lớn là một vài công viên và chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố.
Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầu của những vấn đề toàn cầu như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và sự bùng nổ dân số. Do đó mà chính quyền và cư dân thành phố bắt đầu nhận thức và quan tâm hơn đến việc phát triển và gia tăng những khoảng không gian công cộng cho đô thị. “Tuy nhiên vẫn cần nhiều sự cố gắng hơn nữa nếu muốn xây dựng những thành phố toàn cầu thực sự”, Greg Ohan nói.
Ở Việt Nam, “chúng ta đang chứng kiến những giai đoạn đầu trong việc thực hiện các giải pháp đô thị”, Greg Ohan chia sẻ. Đó là việc đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động vào tháng 4/2015 và phố đi bộ thứ hai bao quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ tháng 9/2016. Các con đường này đã thu hút một lượng lớn người dân địa phương cũng như người nước ngoài.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Sự đầu tư cho tương lai
Quá trình đô thị hóa làm cho các thành phố ngày càng trở nên đông đúc hơn và nhu cầu về tài nguyên đất đai trở nên cao hơn. Điều này đã tạo áp lực lên việc hình thành và gìn giữ những khoảng không gian công cộng tại các thành phố. Không có một giải pháp cụ thể nào với tất cả các vấn đề. Việc xây dựng và phát triển những không gian công cộng bền vững tại đô thị vẫn là một thách thức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia láng giềng hiện đang thực hiện rất nhiều các giải pháp và ý tưởng cộng đồng. Điển hình như Chính quyền thành phố Bangkok (Thái Lan) đã giới thiệu dự án “Bangkok Toàn diện”. Trong khi đó, chính quyền tái Phát triển Đô thị của Singapore phát động cuộc thi thường niên “Ý tưởng cho những Không gian công cộng”, còn Malaysia hằng năm đều thực hiện sự kiện nghệ thuật và văn hóa “Cảnh quan Đô thị” để giới thiệu những không gian công cộng của Kuala Lumpur và những cộng đồng sáng tạo.
Phố đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Nguồn: TTVH) |
Việc hình thành những không gian, đặc biệt là không gian xanh chỉ mới bắt đầu, như một cam kết trong dài hạn, người dân cần phải thường xuyên tham gia và sự hỗ trợ từ phía chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những lợi ích này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể.
“Do đó, chúng ta có thể hy vọng cảnh quan và môi trường sống của người dân đô thị sẽ ngày càng văn minh và tiến bộ hơn”, Greg Ohan nhận định.
Theo JLL