Thành phố xanh Cao Lãnh

15.11.2016 ACVN Office
Ít có đô thị nào ở ĐBSCL tạo được “lá phổi xanh” hài hòa như thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, một Việt kiều Pháp, đã nói như vậy trong lần về thăm quê hương.

Quả thật, ấn tượng đầu tiên khi đến thành phố ven Đồng Tháp Mười này là những con đường có vỉa hè rộng thênh thang, bầu không khí tĩnh lặng, cây xanh mát rượi và không bị nhà cao tầng che khuất tầm nhìn. Thích nhất là có thể đi dạo khắp thành phố ngắm cảnh mà không phải lo sợ xe cộ ngang dọc loạn xạ.

Cây xanh và vỉa hè

Ấn tượng đầu tiên khi vừa vào tới địa phận thành phố Cao Lãnh chính là cây xanh. Dọc theo quốc lộ 30 trải nhựa thẳng tắp là hai hàng cây dầu xanh mơn mởn vươn lên trước gió, chính giữa là dải phân cách được trồng hoa kiểng đẹp mắt.

 

Qua cầu Đình Trung, vào tới nội ô thành phố, nhiều người sẽ lấy làm lạ khi thấy vỉa hè trên đường Nguyễn Huệ rộng tới 8 mét và rất thông thoáng, không hề có hàng quán lấn chiếm. Bên trái là khu nhà phố 3-4 tầng lầu, không lồi ra thụt vô như vẫn thường thấy ở những thành phố lớn.

 

Trên vỉa hè, từ mí nhà ra ngoài chừng 2-3 mét, những nhà quản lý đô thị kẻ hẳn một vạch sơn vàng, coi đó là lằn ranh được phép đậu xe gắn máy. Mọi người có nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải khát, ra vô đều dừng xe ở đó ngăn nắp trật tự. Phần còn lại ở ngoài cũng còn khá rộng, người đi bộ tha hồ dạo bước mà không phải lo sợ xe cộ trên đường.

Ở trung tâm thành phố cũng đều thấy những vỉa hè rộng rãi thông thoáng như vậy. Thích nhất là đi dọc con đường Lý Thường Kiệt về hướng công viên Văn Miếu. Vỉa hè đã rộng (8 mét), con đường còn rộng hơn (tới 45 mét) mà trên đầu còn tỏa bóng cây dầu xanh mát. Hai bên là những cơ quan nhà nước xây dựng hài hòa, cao nhất chỉ có 4 tầng làm cho tầm mắt nhìn lên bầu trời càng bao la rộng mở hơn.

“Rậm rạp” nhất có lẽ là đường Tôn Đức Thắng nằm vắt ngang cuối đường Lý Thường Kiệt. Trên suốt tuyến đường là hàng cây xà cừ chừng tám năm tuổi. Đã vậy, con đường lại chạy song song với con rạch nhỏ nước chảy hiền hòa, bờ rạch đã được xây kè thẳng tắp càng làm cho không gian trở nên xanh mát. Đi gần hết đường Tôn Đức Thắng thì tới khu Liên hợp thể thao, du khách sẽ càng thấy không gian xanh no đầy cơ thể với những con đường rợp mát bóng cây, những vỉa hè rộng thoáng bên cạnh hồ bơi, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá... Ở đây, bầu trời cũng bao la mút mắt bởi độ cao nhà phố chỉ ở mức 2-3 tầng.

“Hầu như mọi căng thẳng, mệt mỏi đều tan biến. Đầu óc hình như minh mẫn, sảng khoái lạ thường” - ông Nguyễn Ngọc Thạch bật thốt lên như vậy khi bước xuống xe đi bộ một đoạn gần sân bóng đá có mặt cỏ xanh mượt.

 

Thành phố công viên

Có lẽ ít đô thị nào ở ĐBSCL có diện tích công viên rộng lớn như thành phố Cao Lãnh. Chỉ riêng công viên Văn Miếu bao bọc bởi bốn con đường Lý Thường Kiệt, Võ Trường Toản, Ngô Thì Nhậm, Đặng Văn Bình đã rộng hơn 10 héc ta. Đó là chưa kể 5 héc ta liền kề là Nhà Văn hóa Lao động tỉnh được xây dựng thành khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao cũng đầy ắp cây xanh, hoa kiểng. Ngoài ra, một khu đất trống nối liền công viên hiện hữu tới đường Tôn Đức Thắng rộng 3,5 héc ta cũng đang được quy hoạch thành công viên liên hoàn.

Điều thú vị của công viên Văn Miếu là, ngoài cây xanh, thảm cỏ bao quanh, còn có một hồ nước rộng 3 héc ta được đặt tên là hồ Khổng Tử, có dáng dấp nhàn nhã, êm đềm như hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Về đêm, hồ Khổng Tử lấp lánh ánh sáng đủ màu sắc phản chiếu từ những ngọn đèn trên phố, bên dưới có hình những chú sếu mở cánh nhịp nhàng phun nước lên cao thật ngoạn mục. Khung cảnh hữu tình này đã thu hút đông đảo người dân thành phố lũ lượt ra đây tập thể dục, dạo mát, vui chơi với con trẻ.

Từ mặt trước công viên Văn Miếu, đi bộ chừng bốn trăm mét theo đường Võ Trường Toản hướng về sông Cao Lãnh, sẽ gặp công viên Lê Văn Tám. Công viên này cũng đầy ắp cây xanh và càng mát... lạnh hơn vì nằm cặp sông Cao Lãnh, con sông nổi tiếng sầm uất do là đầu mối giao thương từ những năm đầu thế kỷ 20. Trước mặt công viên là trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp. Ngay mặt tiền trụ sở này là một công viên với hàng cây sao, dầu giống như công viên phía trước dinh Thống Nhất ở TPHCM. Chưa hết, tiếp tục đi bộ rẽ trái về hướng chợ Cao Lãnh, sẽ gặp thêm một công viên của Nhà Thiếu nhi tỉnh với hàng cau vươn mình bao quanh cả một “rừng” xà cừ chạy từ ngoài cổng vào tận bên trong.

 

Anh Nguyễn Thành Hưng, người hơn 40 năm sống ở thành phố này, nói: “Cách đây 10 năm, Cao Lãnh vẫn còn nóng bức vì thiếu cây xanh, nhưng nay đã khác. Tôi thường có việc phải đi lại làm ăn ở TPHCM, mỗi đợt chừng năm bảy ngày hoặc nửa tháng. Hễ bước chân về lại Cao Lãnh là thấy không khí mát mẻ, trong người nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái như trút được gánh nặng ngàn cân”.

Ông Nguyễn Thành Nghiệp, một lão nông hơn 60 năm gắn bó với Cao Lãnh, thì kể lại: “Cao Lãnh vào những năm 1980 vẫn còn là đồng ruộng hoang sơ, nằm một góc ven Đồng Tháp Mười. Con đường Lý Thường Kiệt và Bưu Điện tỉnh bây giờ cũng chỉ là thửa ruộng sình lầy. Trụ sở của các ban ngành tỉnh chỉ là những khu nhà xây cũ kỹ, trời mưa là ngập nước. Đường sá thì phần lớn là đất đỏ, ngay cả quốc lộ 30 huyết mạch cũng vậy. Những năm 1990, hễ mùa nước lũ là cả Cao Lãnh bị ngập”.

Nhưng rồi người dân và chính quyền đã bắt tay xây dựng đô thị mới đẹp đẽ hơn. Từ một vùng đất trũng thấp ngập nước, Cao Lãnh đã biến thành một phố khang trang, đường sá rộng thênh thang. Riêng việc san lấp mặt bằng từ ruộng lên độ cao vượt lũ hiện nay cho cả thành phố đã là một kỳ công. Người ta đã phải di chuyển từng khối cát về, lấn dần từng mét vuông đất, cần mẫn, kiên trì như chú kiến tha lâu đầy tổ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Tháp, từ những năm 1980, các nhà quy hoạch đô thị Cao Lãnh đã tính đến việc xây dựng màu xanh cho thành phố bằng việc chọn công viên Văn Miếu làm điểm nhấn trung tâm, từ đó nới rộng mặt hồ sẵn có từ hơn 1 héc ta ra tới 3 héc ta như hiện nay. Làm đường tới đâu, người ta trồng cây xanh tới đó và người dân cũng chung tay với chính quyền chăm sóc, gìn giữ từng cây một như chính cây trước nhà mình.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch nhận xét: “Sau khi “lên” thành phố (tháng 1-2007), có vẻ như Cao Lãnh đang trở lại thời kỳ phồn thịnh. Tuyến quốc lộ 30 đang được Chính phủ chủ trương xây dựng đến tận biên giới Campuchia. Dự án cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, cầu Vàm Cống bắc ngang sông Hậu, quốc lộ N2 xuyên Đồng Tháp Mười cũng đang được triển khai. Những cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà đã được Chính phủ mở ra... cho thấy tiềm năng trong tương lai của Cao Lãnh là không nhỏ”.

 

Đạt Thịnh (Cao Lãnh)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn