Đoàn đại biểu tham quan học tập tại Israel
...cũng như là cơ quan đầu mối kết nối trong mạng lưới các thành phố, thị xã của Việt Nam và quốc tế, Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) đã cùng với UN- Habitat xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tham vấn cộng đồng và tổ chức đi tham quan các thành phố có kinh nghiệm triển khai CDS trong nước.
Nằm trong chương trình của kế hoạch nêu trên, vừa qua, từ ngày 25/6/2016 đến ngày 1/7/2016, ACVN và UN-Habitat đã tổ chức chuyến tham quan học tập tại Israel với chủ đề “Sáng kiến phát triển kinh tế địa phương hướng tới tăng trưởng đô thị bền vững”.Tham gia đoàn công tác bao gồm 18 đại biểu ở cả 3 cấp chính quyền: Lãnh đạo cơ quan Trung ương (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Lãnh đạo UBND các tỉnh (Quảng Nam, Bình Định), Lãnh đạo đại diện 7 thành phố (Tam Kỳ, Quy Nhơn, Hải Dương, Hưng Yên, Việt Trì, Bến Tre, Hải Phòng), Lãnh đạo Học viện cán bộ Quản lý xây dựng và Đô thị, Đại diện UN- Habitat, ACVN, CA.
Với sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tình, hiệu quả của Đại Sứ quán, Bộ Ngoại giao và chính quyền địa phương Israel, sự tổ chức chu đáo của UN- Habitat, cộng đồng trách nhiệm của ACVN và sự tham gia nghiêm túc, nhiệt tình của các đại biểu trong đoàn cơ quan Trung ương và địa phương tham dự, chuyến tham quan học tập kinh nghiệm đã tạo ra cơ hội hết sức quý báu để chúng ta có thể quan sát, lắng nghe, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm một các trực tiếp và thiết thực nhất. Chương trình được thiết kế tập trung vào các đề xuất giải pháp cho những thách thức như: thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính năng động để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch tổng thể; thiếu các công cụ và cơ chế hỗ trợ thành phố triển khai các chương trình ưu tiên trọng điểm; thiếu động lực để hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp ở các thành phố vừa và nhỏ; chưa huy động hiệu quả sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời chính quyền thiếu các công cụ quản lý, theo dõi các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư.
Trong 5 ngày tham quan học tập, đoàn công tác đã có dịp đến thăm thực tế tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Negev Ramat-là một đơn vị được thành lập nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp tiên tiến trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng sa mạc khô cằn, tưới tiêu chỉ có nguồn nước lợ. Hàng năm Trung tâm này triển khai thí nghiệm trên nhiều giống cây trồng như ô liu, lựu, cây buị, tiến hành lai ghép gốc cho cây nho, cà chua, ớt chuông, các cây thảo mộc và hoa kiểng. Tất cả các giống cây trên đều thử nghiệm tưới bằng nước lợ, đồng thời Trung tâm cũng nghiên cứu tìm ra các giống mới có thể tưới bằng nước lợ hay nước mặn. Với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, các nhà nghiên cứu ngoài công việc thí nghiệm còn hướng dẫn cho nông dân canh tác. Do đó, ưu việt nổi trội ở đây là những kiến thức, kết quả nghiên cứu tích lũy được trong quá trình hoạt động của Trung tâm sẽ được truyền đạt trực tiếp tới người nông dân, đồng thời những vấn đề phát sinh của họ cũng được kịp thời hỗ trợ, tư vấn và giải quyết.
Tham quan Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Negev Ramat
Trung tâm cũng giúp cho việc giải quyết đầu ra của các nông sản cho nông dân. Ngoài ra việc xây dựng Hệ thống nhà kính áp dụng phương pháp thủy canh cải tiến Kaima Beit Zayit cũng là mô hình tốt cho các đại biểu tham khảo trong việc mở rộng cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cho nông dân, nhất là trong sản xuất rau sạch quanh năm đảm bảo chất lượng bổ dưỡng và an toàn, không bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khắc nghiệt bên ngoài, tránh được côn trùng phá hoại, tạo đầu ra ổn định cho người trồng rau.
Nét độc đáo trong du lịch và thương mại cũng là kinh nghiệm thú vị cho các đại biểu trong đoàn công tác, đó là những địa điểm mang dấu ấn trong lịch sử phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội hay danh lam thắng cảnh (như: khu định cư đầu tiên của người Do thái, nơi ở của Thủ tướng Israel đầu tiên, nhà ga xe lửa cũ và công viên đường sắt, những con đường ven biển có nhiều công trình kiến trúc nhà ở độc đáo, những khu công viên trung tâm với các dịch vụ ăn uống tiện ích với nhà vườn sinh thái xung quanh để du khách có thể thăm ngắm, nghỉ ngơi, ăn uống, chụp ảnh, v.v…) đều được bảo tồn, đầu tư, tôn tạo, ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại để giới thiệu cho khách tham quan kết hợp với khai thác dịch vụ thương mại để tận dụng tối đa lợi thế tiêu dùng của khách tham quan cũng như tạo ra sự sinh động, thân thiện cho mọi người thông qua những dự án cũng như phát huy vai trò của Trung tâm phát triển du lịch.
Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế một cách sáng tạo, mang tầm chiến lược, các địa phương của Israel như thành phố Tel Aviv, Jerusalem đã hình thành và phát triển mạnh mẽ Trung tâm sinh thái khởi nghiệp với đầu tư mạo hiểm, vốn ban đầu, môi trường làm việc hợp tác, nơi tập hợp các nhân tài, các cuộc thi khởi nghiệp, các sự kiện toàn cầu, v.v… hay Trung tâm vườn ươm Mass Challenge (MC) đã tạo ra một hệ thống thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả nhất cấp toàn cầu. Không vốn cổ phần, không vì lợi nhuận, Trung tâm ra đời với mục đích giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực bằng việc cung cấp các chương trình huấn luyện, đào tạo kéo dài 4 tháng theo tiêu chuẩn thế giới, không gian làm việc mở và tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu tư, phương tiện truyền thông để quảng bá doanh nghiệp.
Ngoài ra đoàn tham quan cũng đã đến thăm và trao đổi thông tin với Trumg tâm Israel-Châu Á biết được nhiệm vụ, chức năng và chương trình hoạt động của Trung tâm có thể cho các cán bộ lãnh đạo cũng như sinh viên các thành phố, thị xã của chúng ta kết nối, thu thập thêm kiến thức, thông tin và tìm kiếm cơ hội và điều kiện được nhận học bổng, được tham gia các sự kiện hoặc được nhận kinh phí để tổ chức các sự kiện, khởi nghiệp và triển khai các sáng kiến kết nối giữa Israel và châu Á trong nhiều lĩnh vực.
Có thể nói, qua chuyến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Israel lần này đã giúp các đại biểu tiếp cận được với thông tin, mô hình phát triển kinh tế thiết thực, hiệu quả, khai thác dược tiềm năng, thế mạnh và khắc phục những thách thức, khó khăn của đô thị tại Israel một cách sáng tạo. Đây cũng là cơ hội tốt để các đại biểu Trung ương và địa phương cùng trao đổi quan điểm, ý kiến về phương thức phát triển kinh tế địa phương vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; Tạo điều kiện kết nối mạng lưới hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư giữa các đô thị của Việt Nam và Israel; Gợi mở cho các đại biểu những ý tưởng phong phú, đa dạng về xây dựng chiến lược phát triển, thực hiện, quản lý và hỗ trợ triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế, địa phương đô thị một cách năng động và sáng tạo.
Ngô Thị Tám
Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam