Kết quả chuyến khảo sát CHLB Đức

07.11.2015 ACVN Office
CHLB_Duc_3CHLB_Duc_2CHLB_Duc_1
Group discussion with a Member of the German Parliament

Được sự tài trợ và giúp đỡ của Viện KAS, từ 2-10/4/2011, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã tổ chức một đoàn khảo sát, trao đổi và học tập kinh nghiệm của CHLB Đức nhằm tìm hiểu chế độ tự quản địa phương; phương pháp tổ chức một nền hành chính gần dân, minh bạch, hiệu quả và hoạt động của hiệp hội đô thị CHLB Đức.

Tham gia đoàn khảo sát có TS. Nguyễn Ninh Thực, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam và cac đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, Việt Trì, Nam Định, Quy Nhơn, Phủ Lý và thị xã Thủ Dầu Một.

Đoàn đã đến khảo sát và làm việc với:

-          Học viện của KAS tại Berlin và cơ sở đào tạo của Viện KAS ở bang Hessen.

-          Tòa thị chính của thành phố Wiesbaden.

-          Hội đô thị bang Hessen.

-          Bộ Tư pháp và hội nhập Châu Âu của bang Hessen.

-          Nghị viện bang Hessen.

-          Thị trấn Nierstein thuộc ban Hessen.

-          Tòa thị chính Berlin.

-          Hiệp hội đô thị Đức.

-          Nghị viện CHLB Đức.

-          Cơ quan phát triển đô thị của CHLB Đức.

Tất cả các nơi đoàn đến đều được các bạn Đức đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo và thân thiện. Các diễn giả đều trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dành nhiều thời gian cho trao đổi, thảo luận và giải đáp câu hỏi của các thành viên trong đoàn.

Chế độ tự quản địa phương của Đức ra đời từ thế kỷ XVIII. Stain, một quí tộc ban Hessen đã đệ trình lên nhà vua một bản tấu với nội dung nhà vua nên để các địa phương phải tự làm và quản lý công việc của địa phương, nhà vua chỉ lo giải quyết các công việc trọng đại của đất nước và những việc địa phương không làm được. Nhà vua chấp nhận, chế độ tự quản địa phương ra đời. Cho đến nay, Đức vẫn là quốc gia có chế độ tự quản địa phương mạnh nhất ở Châu Âu. Thủ hiến ban Hessen và một số nghị sĩ làm việc với đoàn đều khẳng định chế độ tự quản địa phương là lý tưởng vì nó phát huy được tiềm năng, thế mạnh và huy động được mọi nguồn lực của địa phương cho sự phát triển, tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy nhiên, từ khi EU được thành lập thì chế độ tự quản địa phương của Đức bị yếu đi một phần do phân chia quyền lực và các luật pháp của EU.

Đoàn đặc biệt quan tâm đến tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý hành chính của các đô thị.

Chính quyền đô thị của Đức có 2 chức năng: một là quản lý hành chính, hai là cung cấp dịch vụ công đô thị.

Về quản lý hành chính-lý lịch từng công dân, từng mảnh đất, từng ngôi nhà… đã có sẵn trong máy và được cập nhật kịp thời nên các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự đều được giải quyết nhanh, gọn như: cấp thẻ điện tử công dân (như chứng minh thư nhân dân của Việt Nam) chỉ mất 3 phút, cấp hộ chiếu mất 8 phút.

Đoàn rất ngạc nhiên khi phòng công dân của thành phố Weisbaden đặt ngay tại siêu thị lớn nhất thành phố, song đây lại là một minh chứng về một nền hành chính gần dân và vì dân. Bà trưởng phòng cho biết: “Chúng tôi không đặt trong tòa thị chính mà đặt ở đây vì tạo điều kiện thuận lợi cho dân và muốn tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa dân với chính quyền”.

Đoàn cũng nghiên cứu kỹ phòng dịch vụ công dân trực thuộc thị trưởng thành phố Berlin. Phòng là cầu nối giữa người dân và thị trưởng. Phòng có nhiệm vụ thu thập các ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân qua các phương tiện và tập hợp báo cáo thị trưởng hàng ngày làm cho thị trưởng luôn nắm bắt được thực tế và tâm tư, nguyện vọng của dân nên các quyết định của thị trưởng được dân chúng đồng tình và có tính khả thi cao; đồng thời thị trưởng cũng có cơ sở thực tiễn để “đấu tranh” với liên bang trong xây dựng các chính sách và pháp luật. 100% đơn thư của dân đều được phòng phúc đáp.

Về thu hút dân tham gia công việc của Nhà nước – Đoàn được giới thiệu qui trình lập và quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố Berlin.

Quan điểm xuyên suốt là luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân. Dân được tham gia ngay từ khi có ý tưởng lập quy hoạch. Quy hoạch được dự thảo và chỉnh sửa nhiều lần sau mỗi đợt góp ý của dân. Mọi ý kiến đóng góp của dân đều được tiếp thu chỉnh sửa qui hoạch, giải trình và giải thích. Chỉ khi nào đa số nhân dân đồng thuận thì nghị viện liên bang mới thảo luận và quyết định thông qua quy hoạch.

Chuyến khảo sát của đoàn đã thành công tốt đẹp, rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quí từ các bạn Đức để nghiên cứu, vận dụng trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Việt Nam.

Dr. Nguyen Ninh Thuc

ACVN Vice General Secretary

 

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn