Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh - Trưởng Ban điều phối VUF… tham dự tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu khai mạc tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, phát triển đô thị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân “Ngày Đô thị Việt Nam”, một dịp đặc biệt đối với các nhà làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng cũng như bày tỏ mong muốn sự tham gia tích cực hơn nữa của các bên liên quan trong phát triển đô thị.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các tổ chức quốc tế tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng nhằm đề xuất các chiến lược quy hoạch, các dự án và chương trình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và cho từng đô thị,
Các chủ đầu tư tham gia các dự án phát triển, tôn tạo đô thị phải tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật.
Các hội, hiệp hội, diễn đàn về đô thị cần có chương trình, kế hoạch phổ biến kiến thức và thu hút người dân tham gia vào quá trình quy hoạch, phát triển đô thị.
Đối với Cục Phát triển đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn chỉ đạo Cục nhanh chóng tập trung rà soát, đánh giá Chương trình phát triển đô thị 2010 - 2020, từ đó lập dự thảo về Chiến lược phát triển đô thị 2021 - 2030 để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các chuyên gia đô thị uy tín trong nước và quốc tế cùng chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm phát triển đô thị Việt Nam bền vững.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhìn nhận lại quá trình đô thị hóa Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 và định hướng chính sách phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2030.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Tổng thư ký VUF, bà Trần Thị Lan Anh cho biết: Cả nước hiện có 833 đô thị, trong đó bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam năm 2019 là 38,4% và dự kiến sẽ vượt mốc 40% vào năm 2020.
Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 - 15%, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế toàn quốc phát triển.
Tuy nhiên đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng; tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế.
Đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ. Các nỗ lực giải quyết chưa thực sự có sự liên kết hệ thống, còn riêng biệt theo ngành.
Hệ quả là đô thị sử dụng tài nguyên đai chưa hiệu quả. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu. Kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị yếu. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi gia tăng ở các đô thị lớn…
Hơn nữa, các đô thị đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải bảo đảm khả năng chống chịu.
Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Nguyễn Tường Văn tặng hoa tri ân nguyên Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, hiện là Trưởng Ban điều phối VUF, người đã có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Đề cập đến giải pháp thực hiện đô thị hóa bền vững ở Việt Nam, đại diện VUF cho biết: Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị, như nghiên cứu Luật Quản lý phát triển đô thị; Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam; phê duyệt Chiến lược đô thị bền vững hóa quốc gia; Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị quốc gia và Đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng chú trọng xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển khu đô thị, đô thị thông minh; phát triển đô thị tăng trưởng xanh - thông minh - ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trong phát triển đô thị bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng môi trường đô thị; tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực đô thị có quy mô lớn; phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng; phát triển an toàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát ngập lụt; tái chế chất thải rắn, nước thải, sử dụng năng lượng sạch.
Cùng với đó, thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng và vật liệu, thiết bị ít phát thải CO2; đổi mới mô hình quy hoạch đô thị theo hướng quy hoạch xanh, thông minh trong điều kiện Việt Nam.
Đưa ra khuyến nghị cho Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, ông Ian Green - đại diện ADB cho rằng: Có 3 chiến lược trọng tâm và 3 chiến lược thục hiện cần được thiết kế trong Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam.
3 chiến lược trọng tâm gồm tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị; bảo vệ môi trường đô thị, xây dựng năng lực thích ứng và phát triển hạ tầng tích hợp; nâng cao chất lượng và tính bao trùm trong phát triển đô thị.
3 chiến lược thực hiện gồm xây dựng chương trình và quy hoạch đô thị hợp tác; khuyến khích huy động nguồn lực đô thị sáng tạo, đổi mới; bồi dưỡng năng lực và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị…
Cũng tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam Võ Thị Hồng Ánh đã chia sẻ những đóng góp của các tổ chức này với sự phát triển của đô thị Việt Nam; đại diện Văn phòng Ủy ban hợp tác ASEAN, bà Banazir Syahril chia sẻ Chiến lược đô thị hóa bền vững ASEAN…
Các chuyên gia đô thị uy tín trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đô thị Việt Nam bền vững…
Quý Anh
Theo nguồn: http://baoxaydung.com.vn/