Tỉnh Hải Dương đón nhận quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hải Dương đến năm 2040.
Đó là một trong những nội dung quan trọng được công bố tại hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 do UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức vào chiều 11/04 vừa qua.
Mục tiêu phát triển thành phố Hải Dương dựa trên những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa… phát triển nhanh và bền vững với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá với Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các tiềm năng tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Quy mô lập quy hoạch trên diện tích tự nhiên khoảng 111,68 km2. Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Quy mô dân số TP.Hải Dương đến năm 2030 dự kiến khoảng 485.000 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 424.900 người. đất xây dựng đô thị khoảng 7.241 ha; Dân số toàn thành phố đến năm 2040 là khoảng 668.500 người, trong đó dân số đô thị khoảng 626.000 người, đất xây dựng đô thị khoảng 8.993 ha.
Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hải Dương bao gồm 19 phường và 6 xã. Phía Bắc giáp huyện Nam Sách, phía Nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ, phía Đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà, phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng.
Theo đó, thành phố Hải Dương sẽ phát triển theo trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu giới hạn bởi sông Thái Bình và sông Sặt lan toả sang khu vực phía nam, phía đông và phía bắc. Cấu trúc đô thị dựa trên sông Thái Bình, sông Sặt, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường vành đai 5 vùng Thủ đô, cùng với tuyến vành đai 1 và 2…
Vùng phía Nam là vùng đô thị phát triển mở rộng về phía nam gắn với các chức năng trung tâm y tế, giáo dục thể dục thể thao cấp vùng, dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí. Khu trung tâm dịch vụ logistics khai thác hệ thống cảng sông vào hoạt động vận tải và du lịch, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Ngọc Sơn, Thạch Khôi – Gia Xuyên…
Vùng phía đông là vùng đô thị sinh thái gắn với trung tâm văn hoá, triển lãm mới của đô thị, không gian phát triển du lịch và nông nghiệp chất lượng cao, quy hoạch các khu vực phát triển dịch vụ, du lịch gắn với công viên sinh thái và trung tâm công cộng – văn hóa tại khu vực xã Tiền Tiến. Kiểm soát chặt chẽ kiến trúc cảnh quan, hạn chế hoạt động giao thông đấu nối trực tiếp với các tuyến đường đối ngoại…
Vùng phía Bắc là khu vực phát triển đô thị mới, gắn với chức năng dịch vụ thương mại phía Bắc với mô hình công nghiệp sạch, công nghệ cao, Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng thủ đô với tuyến đường đi trung tâm thành phố để bố trí phát triển trung tâm logistics, tạo điểm kết nối cửa ngõ phía đông thành phố Hải Dương….
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của thành phố Hải Dương không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có ý nghĩa đối với cả quốc gia, vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 có ý nghĩa rất quan trọng nhưng đây mới là điểm khởi đầu. Để quy hoạch đi vào cuộc sống, Hải Dương cần khẩn trương tổ chức rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dành cho công tác lập quy hoạch của thành phố, các quy định về quản lý quy hoạch và yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, chỉnh trang đô thị để triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để đảm bảo công tác quản lý. Trong đó, ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực trọng điểm phát triển như khu trung tâm đô thị, khu vực hai bên sông Thái Bình, sông Sặt, các tuyến đường quan trọng, các khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển và chỉnh trang đô thị…
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành theo chức năng chủ động phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Hải Dương trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư để thực hiện cụ thể hóa quy hoạch.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp căn cứ vào quy hoạch thành phố đã được duyệt để nghiên cứu, xem xét đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố Hải Dương, cùng chung tay xây dựng Hải Dương ngày một xanh, thông minh, hiện đại và phát triển.
Thành phố Hải Dương phát triển theo 6 phân khu
Khu 1 là khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc một phần các phường Việt Hòa, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nhị Châu, Ngọc Châu và Hải Tân.
Khu 2 là không gian sông Thái Bình thuộc một phần các xã, phường Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Nhị Châu, Ngọc Châu, Hải Tân, Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Nam Đồng và An Thượng.
Khu 3 là khu đô thị văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế mới phía Tây Nam thuộc một phần các phường, xã Thạch Khôi, Liên Hồng và Gia Xuyên.
Khu 4 là khu đô thị xanh, thông minh phía Nam thuộc một phần các phường, xã Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Tân Hưng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn.
Khu số 5 là khu đô thị mới sinh thái phía Đông thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, Quyết Thắng và Tiền Tiến.
Khu số 6 là khu vực phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, An Thượng, Ái Quốc.
Theo (vneconomy.vn)