Hà Nội ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống giao thông thông minh

30.08.2023 ACVN Office
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền, Hà Nội đang quyết tâm xây dựng hệ thống giao thông thông minh, làm động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống giám sát vận hành xe buýt tại Trung tâm điều hành của Tổng công ty vận tải Hà Nội.

Xu hướng tất yếu

Từ hàng chục năm nay, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, vận hành giao thông. Đây là xu hướng tất yếu nhằm xây dựng một hệ thống giao thông đô thị bền vững, có chất lượng phục vụ cao. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, chi phí, năng lượng, giảm thiểu tai nạn và cải thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống giao thông thông minh là ứng dụng về công nghệ thông tin và tự động hóa vào quá trình vận hành. Trên thực tế, để đánh giá mức độ phát triển của các thành phố, một trong những chỉ tiêu quan trọng là chỉ số giao thông thông minh (ITS).

Với hệ thống giao thông thông minh, người dân hưởng lợi khi lựa chọn được lộ trình phù hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với nhà quản lý, ứng dụng giao thông thông minh sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, nâng cao được công năng của cơ sở hạ tầng. Với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, họ sẽ nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ.

Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Hà Nội.

Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Đối với các lĩnh vực chuyên ngành, Sở cũng đang từng bước triển khai các hợp phần cơ bản làm nền tảng xây dựng hệ thống giao thông thông minh, như: Phát triển hạ tầng số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu (duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) về giấy phép lái xe, CSDL GPS của hệ thống vận tải hành khách công cộng, CSDL duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông) và phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% chuyển đổi số (CĐS) các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc Thành phố quản lý; Hình thành được CSDL về quản lý GTVT; 100% các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trên địa bàn TP Hà Nội lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh…

Đến năm 2030, Hà Nội đưa vào vận hành Trung tâm giao thông thông minh (ITS). Nguồn nhân lực bảo đảm làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hoàn thiện từ những việc nhỏ nhất

Là một trong những đơn vị vận tải lớn tại Hà Nội, những năm qua Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành.

Lãnh đạo Transerco chia sẻ, từ năm 2022, toàn bộ việc điều hành của đơn vị đều thông qua hệ thống giám sát hành trình định vị GPS. Phần mềm “Timbuyt” liên tục được cập nhật, cung cấp thông tin về lộ trình tuyến, điểm dừng đỗ, tần suất chạy xe cho hành khách mọi lúc mọi nơi. Đến nay đã có hơn 1,71 triệu lượt cài đặt và khoảng hơn 50 triệu lượt truy cập ứng dụng mỗi tháng. Đó là một trong nhiều lĩnh vực đang được các đơn vị trong ngành GTVT Thủ đô tập trung triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về CĐS, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, di chuyển trên đường phố Hà Nội, chúng ta không khó để bắt gặp những ứng dụng công nghệ số trong quá trình vận hành giao thông của Thủ đô.

Điển như như cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là địa điểm đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội thí điểm lắp đặt biển cảnh báo điện tử thông minh. Theo đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội, cây cầu vượt này trước đây đã nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Từ ngày lắp biển cảnh báo, vi phạm đã giảm nhiều.

Biển báo điện tử thông minh giúp nút giao thông cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc giảm ùn tắc.

Biển báo điện tử thông minh tại điểm giao thông này có khả năng phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Với thông số kỹ thuật được lập trình sẵn, chỉ cần hệ thống camera phát hiện phương tiện có chiều cao vượt quá thanh chắn, bảng báo điện tử sẽ hiện biển số xe để cảnh báo cho tài xế chọn hướng di chuyển khác.

Biển báo điện tử này được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc. Ngoài việc phát ra cảnh báo vi phạm, biển báo điển tử cũng tiến hành thống kê số lượt phương tiện qua lại tại đây, từ đó giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp điều tiết giao thông phù hợp.

Theo anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội): “Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc nằm trên cung đường từ nhà tới cơ quan của tôi. Trước đây, nhiều xe quá khổ vẫn ngang nhiên di chuyển lên cầu, gây ùn tắc giao thông cục bộ, nguy hiểm cho người đi đường. Từ ngày các cơ quan chức năng lắp đặt biển báo điện tử thông minh, các tài xế đã có ý thức lựa chọn cung đường phù hợp. Nhờ vậy, giao thông tại địa điểm này giờ đây thông thoáng và trật tự hơn. Hy vọng với việc chính quyền đẩy mạnh công tác ứng dụng số để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Hà Nội sẽ ngày càng trở thành thành phố đáng sống, là lựa chọn lý tưởng của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế”./.

                                                                                                                          (Nguồn: ictvietnam.vn)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn