Liên hợp quốc ước tính rằng 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố và khu đô thị vào năm 2050. Điều đó có nghĩa lượng khí thải và mức sử dụng năng lượng sẽ tiếp tục tăng mỗi năm.
Nhu cầu về mạng lưới giao thông đô thị thông minh hơn, các cơ sở xử lý nước thân thiện với môi trường và các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả cao đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều thành phố thông minh đã ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IOT) không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn cải thiện môi trường công cộng.
Đứng đầu hầu hết các danh sách khi nhắc đến thành phố thông minh thường là đảo quốc sư tử. Kể từ khi khởi động sáng kiến quốc gia thông minh vào năm 2014, Singapore đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến trong cả khu vực công và tư nhân. Trong đó phải kể đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc được áp dụng giúp việc di chuyển và thanh toán một cách hiệu quả cho 7,5 triệu hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, để giải tỏa áp lực dân số già, một hệ thống y tế kỹ thuật số đã được áp dụng để theo dõi bệnh nhân. Singapore cũng công bố kế hoạch xây dựng một thành phố hoàn toàn không xe cộ.
Nằm ở Tengah ở khu vực phía Tây của đảo quốc sư tử, thành phố này được quy hoạch cho 5 khu dân cư với 42.000 ngôi nhà cùng các khu vực an toàn cho cả người đi bộ và đi xe đạp.
Một trạm xe đạp ở thành phố Helsinki, Phần Lan (Ảnh: Mårten Lampén) |
Helsinki - thủ đô của Phần Lan đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035. Thành phố này đang trên đường đạt được mục tiêu trên. Từ năm 2017, thành phố đã cố gắng giảm lượng khí thải xuống 27% so với năm 1990. Một mục tiêu khác mà Helsinki đang hướng tới là giảm 69% lượng khí thải giao thông trong vòng 3 thập kỷ, vào năm 2035. Các biện pháp được chính quyền thủ đô Helsinki đưa ra như chuyển toàn bộ xe buýt sang sử dụng điện cũng như mở rộng mạng lưới sạc điện và xe điện ngầm.
Ngoài ra, vì hệ thống sưởi chiếm hơn một nửa lượng khí thải của Helsinki nên thành phố tập trung vào việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng để giảm 80% lượng khí thải từ các tòa nhà. Bên cạnh đó, Helsinki cũng kết hợp sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn nữa.
Đối với Zurich, Thuỵ Sĩ, thành phố này đã áp dụng một hệ thống đèn có thể tự điều chỉnh độ sáng theo cảm biến mật độ giao thông. Điều đó giúp tiết kiệm năng lượng điện lên đến 70%. Kể từ đó, Zurich đã mở rộng hệ thống đèn đường thông minh khắp thành phố và thiết lập nhiều công nghệ cảm biến hơn có thể thu thập dữ liệu môi trường, đo lưu lượng giao thông và hoạt động như ăng-ten WiFi công cộng. Một hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, kết nối hệ thống sưởi, điện và làm mát của thành phố cũng đã chứng minh tính hiệu quả cao cho cuộc sống cư dân.
Oslo có kế hoạch sử dụng điện cho tất cả các phương tiện trong toàn thành phố vào năm 2025 (Ảnh: The Guardian) |
Thủ đô của Na Uy đang tập trung phát triển ô tô điện và có kế hoạch sử dụng điện cho tất cả các phương tiện trong toàn thành phố vào năm 2025. Các biện pháp khuyến khích dành cho ô tô không phát thải bao gồm bãi đậu xe miễn phí, giảm thuế phí cầu đường. Oslo hướng đến năm 2050, các công trường đều không phát thải để phát triển hệ thống quản lý chất thải tuần hoàn và năng lượng xanh.
Dự án thành phố thông minh của Amsterdam bắt đầu thực hiện vào năm 2009. Hiện toàn thành phố có hơn 170 hoạt động khác nhau vì mục tiêu này. Điều đặc biệt nổi bật ở Amsterdam là các hoạt động rất sáng tạo và đổi mới, dù đó là sử dụng năng lượng tái tạo cho xe chở rác chạy bằng điện, lắp đặt các trạm dừng xe buýt chạy bằng năng lượng mặt trời hay xây dựng các làng nổi để chống lại tình trạng quá tải và cung cấp giải pháp thay thế cho việc cải tạo đất. Trên toàn thành phố, hàng nghìn doanh nghiệp và hộ gia đình đã được lắp tấm lợp cách nhiệt, công tắc đèn tự động làm mờ, đồng hồ thông minh và đèn LED năng lượng cực thấp.
Hàng trăm cảm biến và công nghệ thông minh đã được thử nghiệm và lắp đặt tại các quận khác nhau ở thành phố New York, Mỹ. Dịch vụ chia sẻ xe hơi cũng góp phần giảm tổng lượng khí thải và tắc nghẽn giao thông. Trong một nỗ lực nhằm nâng cao tầm nhìn và sự sáng tạo của địa phương, New York cũng tổ chức một cuộc thi hàng năm với giải thưởng là một khoản tiền mặt hậu hĩnh dành cho các ứng dụng sử dụng tốt nhất các bộ dữ liệu mở của thành phố.
Là quê hương của Songdo, còn được gọi là thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới, những chiến dịch công nghệ thông minh của Seoul ngày càng phát triển mạnh mẽ kể từ khi triển khai các sáng kiến vào đầu năm 2014. Thông qua việc tích lũy và phân tích các mô hình đô thị như lưu lượng giao thông, tốc độ và chất lượng không khí được đo bằng cảm biến và camera quan sát trên toàn thành phố, điều này tạo cơ sở vững chắc cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ thông minh.
Seoul đang xem xét sử dụng nền tảng dữ liệu tạo ra thám tử AI để phát hiện các mô hình tội phạm tiềm ẩn. Hiện tại, thủ đô Hàn Quốc cũng là một trong những thành phố đầu tiên sử dụng công nghệ 5G trong giao thông.
(Theo tuoitrethudo.com.vn)