Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua xây dựng thị xã Mường Lay
Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thị ủy Mường Lay Ngôn Ngọc Khuê nhấn mạnh: Thị xã Mường Lay trước đây là thủ phủ của tỉnh Lai Châu cũ. Đây là địa phương có vị trí trọng yếu về quốc phòng-an ninh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Mường Lay cũng là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái (ngành Thái trắng ở Tây Bắc).
Đồng chí Ngôn Ngọc Khuê, Bí thư Thị ủy thị xã Mường Lay đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm |
Trước năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn quan lại tay sai, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Mường Lay vô cùng cực khổ. Ngày 12/12/1953, huyện Châu Lai và thủ phủ Lai Châu (thị xã Mường Lay) được giải phóng, đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khổ gần một thế kỷ của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân ngày giải phóng Lai Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi thư động viên và dặn dò đồng bào và cán bộ Lai Châu. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào. Ngày nay, đồng bào được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đồng bào các dân tộc Mường Lay đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự; ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no; hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thực hiện lời Bác dặn, ngay sau ngày giải phóng, chính quyền và nhân dân thị xã đã nỗ lực không ngừng, cùng với nhân dân các dân tộc Tây Bắc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống.
Thị xã Mường Lay ngày nay nằm ở vị trí rất đặc biệt so với những địa phương khác trong cả nước - đó là nơi tụ thủy của 3 dòng chảy là sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Trong quá trình phát triển, vùng đất này đã trải qua nhiều biến cố lớn trong lịch sử. Điển hình nhất là hai trận lũ ống lịch sử năm 1990 và 1996 đã tàn phá nặng nề vùng đất này, cuốn trôi nhiều công trình, nhà cửa, làng bản của đồng bào ven sông suối. Năm 2004, những cư dân sinh sống trên mảnh đất này lại bắt đầu một cuộc thiên di lịch sử: di dời lên cao hoặc đến những vùng đất khác để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Đến nay, thị xã Mường Lay là một trong những thị xã nhỏ nhất cả nước (có hai phường và một xã); thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 3.865 tấn; cơ cấu kinh tế chủ yếu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng cây dược liệu dưới tán rừng…
Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân. Đến nay, thị xã Mường Lay đã có xã Lay Nưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đây cũng là xã đầu tiên trong tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Đặc biệt, Mường Lay ngày nay có những khu phố nhà sàn lợp đá của đồng bào dân tộc Thái trắng soi bóng xuống dòng Đà giang tạo nên một vẻ đẹp của "phố trong bản", "trên bến dưới thuyền" đặc trưng riêng có của thị xã Mường Lay. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có lòng hồ thủy điện Sơn La, khí hậu mát mẻ, trong lành, thị xã có nhiều tiềm năng, thế mạnh để khai thác phục vụ phát triển các loại hình du lịch, như: du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, lịch sử; du lịch trải nghiệm...
Một góc thị xã Mường Lay hôm nay |
|
Ông Chui Văn Tải (93 tuổi), một trong những cán bộ của tỉnh Lai Châu từ ngày giải phóng, cho biết: Trước kia đời sống nhân dân ở Mường Lay rất khổ; sau giải phóng, cán bộ và nhân dân thị xã luôn đoàn kết một lòng xây dựng bản làng, các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển. Thị xã Mường Lay ngày nay là một trong những điểm đến đẹp nhất của tỉnh Điện Biên với cảnh sông nước, nhà sàn. Bà con dân bản vô cùng phấn khởi.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn đề nghị trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Mường Lay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Mường Lay ngày càng phát triển. Trong đó, thị xã cần tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Đồng chí Mùa A Sơn đề nghị, thời gian tới Thị xã Mường Lay cần khai thác các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là đầu tư cho thương mại, du lịch và dịch vụ, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các chương trình hậu tái định cư thủy điện Sơn La và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Nhân dịp này Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen 7 tập thể, cá nhân; thị xã Mường Lay tặng giấy khen 15 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua xây dựng và phát triển thị xã.
(Theo nhandan.vn)