Thành phố Bắc Kạn với khát vọng xây dựng đô thị văn minh

01.03.2024 ACVN Office
Sau 8 năm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố Bắc Kạn tiếp tục thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại. Việc huy động các nguồn lực để kiến thiết hạ tầng đang được chú trọng nhằm phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2030.

Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay.

Dáng vóc đô thị loại II dần hiện hữu

Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Kạn được tái lập, thị xã Bắc Kạn trở thành trung tâm tỉnh lị với 04 phường: Đức Xuân, Phùng Chí Kiên, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai và 4 xã: Dương Quang, Huyền Tụng, Nông Thượng, Xuất Hóa. Ngày 02/8/2012, thị xã Bắc Kạn được công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Bắc Kạn. Đến ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 chuyển 2 xã Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn thành 2 phường có tên tương ứng và chuyển thị xã Bắc Kạn thành thành phố Bắc Kạn.

Sau 26 năm phát triển, kể từ sự kiện tái lập tỉnh, thành phố Bắc Kạn đã không ngừng đổi mới đi lên. Từ xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất hầu như là con số “không”, thành phố Bắc Kạn đã chuyển mình đi lên, hạ tầng đô thị không ngừng được chỉnh trang và hoàn thiện, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao. Lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ tiện ích, văn minh và hiện đại như siêu thị, cửa hàng, nhà hàng cùng hơn 4.000 hộ kinh doanh đang hoạt động... lượng hàng hóa dồi dào và đa dạng về chủng loại, đáp ứng tốt mọi nhu cầu của người dân.

Theo thống kê, năm 2023, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tiềm năng được đẩy mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn thành phố mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Bắc Kạn đạt 3.645 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 575 tỷ đồng; thu ngân sách ước thực hiện đạt 201,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, đất đai, môi trường được thành phố tăng cường. Sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa và phát triển kinh tế tập thể được chú trọng. Thành phố có 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (có 16 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao). Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các Chương trình MTQG và tín dụng chính sách xã hội được thành phố tích cực triển khai. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố hiện chỉ còn 1,97%, thấp nhất trong cả tỉnh. Công tác quốc phòng quân sự địa phương được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Huy động tối đa các nguồn lực

Có được những kết quả nêu trên là nhờ thành phố đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực. Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, đồng chí Cù Ngọc Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Kạn cho biết: Thành phố coi kinh tế dịch vụ và du lịch là mũi nhọn để phát triển. Muốn vậy, việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc hạ tầng đô thị là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Đứng trước “bài toán” này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố đã phát huy tinh thần sáng tạo, vận dụng khéo léo cơ chế chính sách để huy động nhiều nguồn lực vào kiến thiết đô thị. Hệ thống giao thông của thành phố từng bước được đầu tư, hoàn thiện với nhiều tuyến đường mở mới và nâng cấp như: Đường Tây Minh Khai, đường nối tổ 11B phường Đức Xuân với tổ 11B phường Phùng Chí Kiên, Dự án đường kết nối vào Phiêng My, đường vào hồ Nặm Cắt… Cùng với đó, một số khu dân cư vừa hoàn thành mặt bằng hoặc đang được đầu tư, xây dựng như: Khu đô thị Phố chợ Minh Khai, Khu dân cư Bắc Sông Cầu, Khu dân cư Thôm Dầy, Khu dân cư Đức Xuân 4… Cụm công nghiệp Huyền Tụng cũng đã xây dựng xong mặt bằng, đang mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư.

Để phát triển ngành “kinh tế xanh”, thành phố đã quy hoạch 02 điểm du lịch gồm Khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt và Khu Du lịch sinh thái Thác Bạc - đèo Áng Toòng. Xây dựng phương án tuyến phố đi bộ thành phố Bắc Kạn. Chú trọng xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với liên kết sản xuất – chế biến nông sản chất lượng cao như tại các xã Nông Thượng, Dương Quang.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, thành phố đã Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01 Tư vấn lập nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Bắc Kạn đến năm 2045. Hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, UBND thành phố đã khai trương Trung tâm Điều hành thông minh. Nhiều tuyến phố được quản lý lòng đường, vỉa hè ngăn nắp; phối hợp xây dựng mô hình “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt”; các bảng chữ, cổng chào, màn hình led cỡ lớn tại nhiều điểm công cộng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa… Chuyển đổi số được thành phố triển khai trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Cải cách hành chính được quan tâm, số hồ sơ phát sinh trực tuyến toàn trình của thành phố đạt 2.715; số hồ sơ phát sinh trực tuyến 1 phần 1.794; cung cấp thông tin trực tuyến nhận trực tiếp 3.171 hồ sơ; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp thành phố đạt 58,37%.

Định hướng phát triển mở rộng thành phố

Nhằm tiếp tục xây dựng đô thị trung tâm của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm, thành phố Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23/5/2023 để thực hiện Quyết định 432/QĐ-UBND ngày 30/3/2023 của UBND tỉnh, Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 11/4/2023 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 25/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, thành phố đã hoàn thiện thủ tục đề nghị phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch theo định hướng mở rộng diện tích và đơn vị hành chính để đảm bảo các tiêu chí đô thị loại II. Thực hiện chủ trương mở rộng thành phố, trên cơ sở hiện trạng và đối chiếu với các quy định hiện hành, trong xây dựng quy hoạch chung, UBND thành phố đã đề xuất với tỉnh phương án sáp nhập nguyên trạng 9,526km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.477 người của xã Cẩm Giàng vào thành phố Bắc Kạn và thành lập phường Cẩm Giàng thuộc thành phố Bắc Kạn; dự kiến sáp nhập nguyên trạng một xã thuộc huyện lân cận về thành phố; thành lập phường Dương Quang thuộc thành phố Bắc Kạn. Nếu phương án sáp nhập nói trên được tỉnh nhất trí, thành phố Bắc Kạn sẽ có cơ hội lớn để mở rộng về quy mô, có đủ không gian và dư địa để phát triển đô thị trong tương lai.

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch, thành phố xác định tập trung thực hiện 02 dự án trọng điểm là dự án Đường vào hồ Nặm Cắt và dự án Xây dựng sân vận động tỉnh, các hạng mục phụ trợ. Quy hoạch và phát triển 04 cụm công nghiệp (giai đoạn 2021-2025) gồm: Cụm công nghiệp Huyền Tụng, Cụm công nghiệp Huyền Tụng I, II và Cụm công nghiệp Sông Cầu. Tiếp tục đầu tư xây hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư đô thị tại tổ Xây Dựng và tổ Pá Danh, phường Huyền Tụng; dự án Khu dân cư Central Hill Bắc Kạn; dự án Khu dân cư Đức Xuân 4; dự án Khu dân cư thương mại và chợ Nguyễn Thị Minh Khai và đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Để thực hiện khát vọng xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị văn minh – hiện đại có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên cấp ủy, chính quyền thành phố cần làm tháo gỡ những vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường GPMB để thu hút các nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện kiến trúc hạ tầng đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm ATGT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.../.

(Theo baobackan.com.vn)

 

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn