Thị xã Ba Đồn sẽ trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Quảng Bình
Nhiều chuyển biến sau hơn 10 năm thành lập
Với vị trí chiến lược quan trọng cùng những tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ba Đồn luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thị xã, thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị, hướng tới xây dựng thị xã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa động lực khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình
Thị xã Ba Đồn được thành lập theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập mới thị xã Ba Đồn gồm 6 phường và 10 xã thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Sau hơn 10 năm thành lập, thị xã đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản nổi bật như: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 3,97%; ngành công nghiệp - ngành nghề nông thôn tăng bình quân 9,45%; tổng sản lượng lương thực tăng gấp 1,14 lần, từ 27.427 tấn năm 2013 lên 31.183 tấn năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân hàng năm 9,07%; thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 5 lần, từ 64,765 tỷ năm 2013 lên 327,952 tỷ năm 2023; thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2,7 lần, từ 20,5 triệu đồng/người/năm 2013 lên 54,6 triệu đồng/người/năm 2023. Cuối năm 2013, trên địa bàn thị xã chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới 10/10 xã, trong đó đến cuối năm 2023 có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của thị xã Ba Đồn cơ bản ổn định và phát triển, hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt trên 50% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc, sản lượng lương thực vụ đông - xuân đạt hơn 18,3 nghìn tấn (đạt 60,82% kế hoạch năm); giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được hơn 819 tỷ đồng (đạt 44,63% kế hoạch, tăng 8,28% so với cùng kỳ năm 2023); thu ngân sách đạt hơn 169,4 tỷ đồng (đạt 60,22% dự toán giao); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 62% kế hoạch.
Đến nay, thị xã Ba Đồn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn có nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất.
Khu vực đã được xây dựng hạ tầng nhà ở thương mại tại phường Quảng Long.
Những năm qua, thị xã tập trung hướng phát triển hạ tầng kết nối 6 phường với 10 xã vùng Nam (đã hoàn thành Dự án tuyến đường trục chính từ Quốc lộ 12A đi cụm trung tâm các xã vùng Nam), các dự án phát triển quỹ đất (đã hoàn thành Dự án hạ tầng phát triển quỹ đất Tỉnh lộ 559B tại xã Quảng Lộc; Dự án Trung tâm xã Quảng Hòa giai đoạn 1; Dự án Nam Hùng Vương giai đoạn 1 và 2…), quy hoạch mở rộng đô thị về phía biển (đã hoàn thành Dự án đường ven biển; Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh đi phường Quảng Phúc), kêu gọi nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án khu đô thị nhà ở thương mại (đã xây dựng hoàn thành Dự án nhà ở thương mại tại TDP 6-7 và 8 phường Quảng Phong).
Ba Đồn phấn đấu trở thành đô thị loại III năm 2026
Với mục tiêu phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững, thị xã Ba Đồn luôn chú trọng công tác chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị. Đến nay, thị xã đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu 6 phường và một số quy hoạch chi tiết các dự án về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Kế hoạch số 751/KH-UBND ngày 10/4/2024 của UBND thị xã Ba Đồn về Chương trình hành động số 27-CTr/ThU ngày 05/3/2024 của Ban Thường vụ Thị ủy, về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 13/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về phấn đấu xây dựng thị xã Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh vào năm 2026, xứng đáng là hạt nhân của trung tâm đô thị phía Bắc tỉnh, gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, Khu kinh tế Hòn La, Tiến Hoá; đảm nhiệm vai trò tạo tính kết nối vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến Quốc lộ 12A, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Quảng Bình.
Hạ tầng kết nối 6 phường với 10 xã vùng Nam bên kia sông Gianh đang ngày càng được hoàn thiện
Theo Báo cáo số 482/BC-UBND ngày 24/10/2023 của UBND thị xã Ba Đồn, đến nay các tiêu chí/tiêu chuẩn của đô thị loại III, được quy định tại các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, sau khi rà soát, kết quả thị xã Ba Đồn đã đạt được 47/63 tiêu chuẩn (đạt 74,6%), tương ứng với số điểm 67,11/75 điểm tối thiểu (đạt 89,5%).
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: “Thời gian tới, Thị ủy Ba Đồn xác định tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động nguồn lực, quyết tâm xây dựng thị xã phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa phía Bắc của tỉnh; phấn đấu xây dựng thị xã Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh vào năm 2026 theo tinh thần, nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định”.
Theo tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại III, đến nay thị xã Ba Đồn đã đạt được 47/63 tiêu chuẩn (đạt 74,6%).
Theo ông Nguyễn Văn Ninh, vì thời gian thực hiện kế hoạch đưa thị xã Ba Đồn trở thành đô thi loại III quá ngắn, muốn đạt được kết quả tốt cần sự vào cuộc thực hiện mạnh mẽ và toàn diện của cả hệ thống.
Trong đó, triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện các quy hoạch, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các phường xã. Đặc biệt, là 4 xã dự kiến lên phường (Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Trung và Tân Thủy); tập trung các nguồn lực để đầu tư cũng cố, hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đôn đốc các dự án đã có nhà đầu tư quan tâm; đề nghị các Sở, ngành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo điều kiện, nâng lực thực hiện các dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng đã được phê duyệt đầu tư trên địa bàn; xây dựng cơ chế đặc thù trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho thị xã để tạo nguồn thu đầu tư phát triển (tỷ lệ tiền đất, nguồn vốn xây dựng đô thị, sự nghiệp tài nguyên và môi trường…).
“Chỉ đạo các xã tập trung huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, ông Nguyễn Văn Ninh chia sẻ thêm.
Đào Hồng Thiệu (baoxaydung.com.vn)