Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô

25.11.2024 ACVN Office
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, những năm gần đây, thị xã Sơn Tây tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế du lịch. Cách làm này đã “đánh thức tiềm năng” kho di sản giàu có của thị xã, từng bước xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Các thí sinh dự thi Hoa hậu Áo dài di sản Việt Nam trình diễn áo dài tại di tích Văn Miếu-Sơn Tây tháng 11/2024.

Các thí sinh dự thi Hoa hậu Áo dài di sản Việt Nam trình diễn áo dài tại di tích Văn Miếu-Sơn Tây tháng 11/2024

Thêm nhiều không gian văn hóa mới

Buổi tối thứ bảy hằng tuần, khi phố phường bắt đầu lên đèn cũng là lúc người dân thị xã Sơn Tây và các huyện lân cận: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất... và rất nhiều khách từ tỉnh Vĩnh Phúc (nhất là các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường) đổ về tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho biết: “Trung bình mỗi tối cuối tuần tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng gần 10 nghìn lượt người đến vui chơi, giải trí. Những tối có các chương trình văn hóa nghệ thuật, các lễ hội hay các hoạt động triển lãm..., lượng khách đạt từ 25 nghìn đến 30 nghìn lượt người”.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong những không gian văn hóa mới được thị xã Sơn Tây xây dựng trong những năm gần đây và đến nay vẫn được duy trì hoạt động hiệu quả.

Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô ảnh 1

Lãnh đạo Thị xã Sơn Tây nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN cho sản phẩm “Du lịch nông thôn bền vững - Trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại Làng cổ Đường Lâm“.

Là trung tâm của xứ Đoài, với kho di sản giàu có cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, những năm qua, thị xã Sơn Tây tận dụng những lợi thế của mình để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết: Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021-2025, Thị ủy Sơn Tây đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 06-CTr/TU. Ban Thường vụ Thị Ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 1/6/2021 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”…

Đến nay, thị xã có hai điểm du lịch đã được thành phố Hà Nội công nhận gồm: Điểm du lịch Làng cổ xã Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ xã Kim Sơn.

Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô ảnh 3

Khung cảnh thanh bình của Làng cổ Đường Lâm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Nina May

Thị xã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc, tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hằng năm, Chương trình Tết Làng Việt, Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Trung thu Thành cổ, đăng cai tổ chức Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, cuộc thi Hoa hậu Áo dài di sản Việt Nam, chương trình Hanoi Concert - Đoài Melody...; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, …

Các không gian văn hóa mới và các sự kiện văn hóa liên tục được tổ chức đã thu hút nhiều khách du lịch đến với Sơn Tây. Từ năm 2021 đến nay, thị xã đã đón 2.760.000 lượt khách du lịch đến địa bàn.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để bảo tồn các di tích ở làng cổ Đường Lâm

Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội gắn với Chương trình số 11-CTr/TU của Thị ủy Sơn Tây về “Phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn mình giai đoạn 2021-2025”, cho đến nay, thị xã đạt 17/17 chỉ tiêu của các chương trình.

Từ năm 2021-2023, thị xã có 95,8% gia đình văn hóa; 97,5% số tổ dân phố và 93,5% số thôn đạt văn hóa; 125 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt văn hóa, trong đó 32 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt cấp thành phố; 118/118 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước, đạt 100%.

Năm 2024, thị xã có 118/118 thôn, tổ dân phố, đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa; 36.706/37.303 hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa.

Thị xã còn tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa như: Chương trình “Tết làng Việt” với nhiều hoạt động phong phú tại làng cổ Đường Lâm; phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức thành công các hoạt động giới thiệu phục dựng nghề làm trang phục truyền thống với chất liệu làm từ củ nâu, hội thi phụ nữ làm sản phẩm du lịch, giới thiệu không gian trà đạo Nhật Bản… tại di tích Làng cổ Đường Lâm.

Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô ảnh 4

Cỗ sen ở Làng cổ Đường Lâm

Sản phẩm “Du lịch nông thôn bền vững - Trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại Làng cổ Đường Lâm“ đã được vinh danh và nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN...

Nhằm huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa-xã hội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đồng bộ, Hội đồng nhân dân thị xã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 22/12/2021, trong đó tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí cho đầu tư cho phát triển văn hóa-xã hội trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025 hơn 836,9 tỷ đồng. Thị xã cũng huy động nguồn lực xã hội hoá cho phát triển văn hóa 37,2 tỷ đồng; xã hội hóa các sự kiện hơn 10 tỷ đồng…

Tại buổi kiểm tra việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” của Đảng bộ thị xã Sơn Tây vào ngày 22/11, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06 đánh giá cao việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của thị xã Sơn Tây. Đồng chí ghi nhận, thị xã đã chọn đúng hướng đi, “đánh thức tiềm năng” phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn.

Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa, lịch sử của Thủ đô ảnh 6

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06 kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của thị xã Sơn Tây.

Đồng chí đề nghị, thời gian tới, thị xã tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; có cách làm mới, sáng kiến mới trong huy động, sử dụng nguồn lực phát triển văn hóa; có phương pháp quản lý, khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa đã được đầu tư; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật gắn với giáo dục chính trị, nhằm lan tỏa và giáo dục ý thức bảo vệ, phát huy giá trị.

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho biết sẽ đề nghị thành phố quan tâm, sớm phê duyệt đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”; đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành chức năng trong việc phối hợp với thị xã nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình số 06-CTr/TU.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố đề nghị thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư cho thị xã, trong đó tập trung quan tâm đầu tư cho Đường Lâm hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”.

Theo Việt Hoàng (nhandan.vn)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn