Cộng hòa Pháp có: 4.500.000 đơn vị nhà ở xã hội; 12 triệu người (1/5 dân số) cư trú trong các loại hình nhà ở xã hội; 17% tổng quỹ nhà ở là nhà ở xã hội; 20% là tỉ lệ nhà ở xã hội bắt buộc đối với các thành phố trên 3.500 dân; 1% quỹ lương là mức đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp cho nhà ở xã hội; 4 tỉ Euro là ngân sách đầu tư xây dựng hàng năm; 305 xí nghiệp xã hội về nhà ở.
Cộng hòa Pháp là một quốc gia có truyền thống xã hội lâu đời ở châu Âu. Nhà ở xã hội tại Pháp đã có một bề dày lịch sử phát triển hơn 100 năm với tiền thân là loại hình Nhà ở giá rẻ HBM (Habitation à bon marché) ra đời từ năm 1889, cho đến sự phát triển bùng nổ của Nhà ở cho hộ gia đình thu nhập thấp HLM (Habitation à loyer modéré) trong những năm 1960-1980. Bên cạnh những thành công không thể phủ nhận trong việc tạo ra chỗ ở cho hơn 1/5 dân số, nhà ở xã hội tại Pháp cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập, đặc biệt trong công tác quy hoạch xây dựng và giải quyết các vấn đề xã hội. Nghiên cứu về nhà ở xã hội tại Cộng hòa Pháp sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm bổ ích cho việc hoạch định chính sách phát triển và quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện nay.
Quỹ nhà ở xã hội tại cộng hòa Pháp
Năm 2009, quỹ nhà ở xã hội tại Pháp có khoảng 4.500.000 đơn vị ở, chiếm 17% quỹ nhà ở toàn quốc. Khoảng 55% quỹ nhà ở xã hội được xây dựng từ trước năm 1976, khi các khu nhà ở xã hội quy mô lớn được xây dựng ồ ạt tại ngoại ô các thành phố lớn. Tốc độ xây dựng nhà ở xã hội vào khoảng 56.000 đơn vị mới hàng năm trong những năm 1990 và giảm xuống còn 50.000 đơn vị/năm trong những năm gần đây. 80% trong tổng số đơn vị nhà ở xã hội là nhà ở dạng căn hộ và con số này là 97% tại vùng Pans (Levy-Vroelant and Tutin, 2007). Theo thông báo mới đây nhất của Chính phủ trong năm 2010 đã có 131.309 nhà ở xã hội được cấp ngân sách xây dựng, tăng 9,7% so với năm 2009.
Sự phân bố của nhà ở xã hội phản ánh phân bố dân cư của nước Pháp: 62% nhà ở xã hội tập trung ở các thành phố trên 100.000 dân và 14% ở khu vực các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Tuy nhiên, có sự phân bố rất không đồng đều giữa các vùng, tập trung một số lượng lớn nhà ở xã hội tại ngoại ô của các thành phố lớn như Pans, Lyon. Marselle trong khi tại một số khu vực giàu có khác lại hầu như không có.
3
Tỷ lệ nhà ở xã hội trên tổng quỹ nhà ở tại một số nước phát triển
Nguồn: Kathleen Scanlon, Christine Whitehead, 2011
Các loại hình nhà ở xã hội
Nhà ở cho người thu nhập thấp HLM
Là loại hình nhà ở xã hội chủ đạo tại Pháp. Người ta ước tính hiện nay có khoảng 12 triệu người dân (tương đương 1/5 dân số) đang sinh sống trong các căn hộ HLM. Nhà ở HLM chiếm tới 50% tổng quỹ nhà ở cho thuê.
Nhà ở thu nhập thấp ra đời từ những năm 1950, là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở tại Pháp sau chiến tranh thế giới lần 2, bắt nguồn từ các nguyên nhân: bùng nổ dân số và dịch cư từ các vùng nông thôn về thành thị và từ các nước thuộc địa cũ (chủ yếu tại Bắc Phi) về chính quốc. Eugène Claudius-Petit Bộ trưởng Tài thiết và Đô thị hóa đã đưa ra một chương trình xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ quy mô lớn. Một hệ thống nhà ở xã hội mới - nhà ở thu nhập thấp HLM được hình thành trên cơ sở của mô hình Nhà ở giá rẻ (Habitation a bon marche) ra đời từ năm 1889.
Nhà ở HLM bắt đầu được xây dựng với quy mô lớn từ năm 1956 với khoảng 300.000 căn hộ được xây dựng mỗi năm. Tốc độ xây dựng nhà ở HLM tăng đáng kể trong những năm 1960-1970 với sự ra đời của các “Khu quy hoạch ưu tiên” (zones a urbaniser en priorite-ZUP), tập trung chủ yếu tại Vùng Paris. Có tới 195 khu quy hoạch ưu tiên được quy hoạch xây dựng và cung cấp khoảng 2 triệu căn hộ mới trong đó chủ yếu là nhà ở thu nhập thấp HLM.
Một khu nhà ở xã hội tại ngoài ô thành phố Caen những năm 1960
Chính sách phát triển nhà ở xã hội
Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội tại Pháp dựa trên hai nội dung chủ yếu đó là xây dựng một khung thể chế hoàn thiện và đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ hết sức cụ thể.
Xây dựng khung thể chế:
Nước Pháp có một quá trình hơn 60 năm để xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển nhà ở xã hội của mình. Điểm qua một số mốc thời gian quan trọng dưới đây cho chúng ta thấy tiến trình đó với đỉnh cao là sự ra đời của Bộ luật 2007-290 hay còn gọi là Luật DALO công nhận quyền có nhà ở bắt buộc cho mọi công dân và vai trò của nhà ở xã hội trong việc thực thi luật này.
Năm 1949: Luật về nhà ở thu nhập thấp (HLM) đề ra các tiêu chuẩn về nhà ở xã hội cũng như ghi nhận quyền được tiếp cận nhà ở có chất lượng của công dân.
1953: Quy định đóng góp bắt buộc 1% quỹ lương đối với các công ty có trên 10 nhân viên cho việc xây dựng nhà ở xã hội.
1957: Luật ngày 07 tháng 8 đề ra chính sách về các « Khu quy hoạch ưu tiên » (ZUP). Lần đầu tiên dự kiến việc xây dựng đồng bộ các khu nhà ở và hạ tầng xã hội. Một chương trình 05 năm xây dựng nhà ở thu nhập thấp được đề ra với mục tiêu thực hiện 300.000 căn hộ/năm.
1977: Luật số 77-1 ngày 03 tháng 1: Cải cách hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Luật đưa ra những hình thức hỗ trợ mới như: Vay hỗ trợ mua lại nhà (prêts d'accession à la propriété-PAP); vay hỗ trợ thuê nhà (prêts locatifs aidés-PLA) ; vay có đảm bảo và hỗ trợ cá nhân cho nhà ở (prêts conventionnés et l'aide personnalisée au logement -APL).
1982: Luật Phân quyền: Phân quyền cho Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị và xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương mình.
3/1992: Chính phủ đưa ra 04 giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở, bao gồm:
• Sử dụng lãi thu được từ các Quỹ tiết kiệm nhân dân (Sổ tiết kiệm A) và Quỹ tiết kiệm (LED) cho các chương trình phát triển nhà ở xã hội;
• Thiết lập Quỹ cho vay bảo đảm dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp;
• Tăng cường hiệu quả của tiết kiệm nhà ở bằng việc nâng mức trần cho vay và giảm thời gian xét duyệt;
• Nghiên cứu nhiều giải pháp trong đó có giải pháp giảm thuế nhằm hỗ trợ việc cải tạo và bảo dưỡng quỹ nhà ở hiện có.
12/1992: Thành lập Hội đồng tối cao về nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn theo sắc lệnh số 92-1339 ngày 22/12/1992.
12/2000: Công bố Luật số 2000-1208 liên quan đến Luật Đoàn kết và Cải tạo đô thị (Luật SRU) trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu hòa trộn đô thị và đa dạng hóa nhà ở. Luật cũng khẳng định tầm quan trọng của nhà ở xã hội cho thuê cũng như vai trò của các tổ chức nhà ở xã hội trong việc thực hiện quyền nhà ở cũng như sự hòa trộn xã hội. Luật cũng đưa ra các giải pháp đổi mới trong việc chống lại tình trạng xuống cấp của nhà ở cũng như quyền được sống trong các căn hộ tốt của công dân. Luật cũng đưa ra quy định bắt đầu từ 01/01/2002 những địa phương không đạt đủ mức 20% quỹ nhà ở là dành cho nhà ở xã hội sẽ phải trả các khoản phạt và phải cam kết một kế hoạch để thực hiện mục tiêu trên.
10/2005: Trình Hội đồng bộ trưởng dự thảo luật với cam kết hỗ trợ phát triển nhà ở của Chính phủ trong đó:
• Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5,5% đối với người mua các căn hộ mới trong các khu vực cải tạo đô thị có thỏa thuận;
• Đơn giản hóa các thủ tục xây dựng (giấy phép xây dựng sẽ do Tỉnh trưởng cấp và không cần thông qua Thị trưởng);
• Tăng cường quyền lực của địa phương trong việc giám sát xây dựng;
• Sát nhập cơ quan nhà ở thu nhập thấp HLM và OPAC thành một cơ quan nhà ở duy nhất OPH;
• Xây dựng Quỹ nhà ở đoàn kết dành cho các trường hợp khó khăn đặc biệt;
• Đưa ra lệnh cấm cắt điện, nước, gaz vào mùa đông (từ 1/11-15/3 hàng năm).
3/2007 : Ban bố Luật số 2007-290 (Luật DALO): Công nhận quyền có nhà ở bắt buộc cho mọi công dân: Chính phủ đảm bảo quyền có nhà ở cho mọi đối tượng cư trú trên lãnh thổ cộng hòa Pháp một cách liên tục và ổn định. Thành lập ra một Hội đồng tối cao giảm sát thực thi quyền nhà ở bắt buộc.
12/2007: Michel Delebarre, Chủ tịch Hiệp hội xã hội về nhà ở và Christine Boutin, Bộ trưởng nhà ở và đô thị ký kết một thỏa thuận cho phép bán lại các căn hộ nhà ở xã hội cho người thuê để lấy quỹ xây dựng các căn hộ mới trong cùng địa phương.
7/2010: François Baroin, Bộ trưởng ngân sách thông báo chấp dứt việc miễn thuế từ thu nhập cho thuê nhà ở của các tổ chức nhà ở xã hội.
• Hỗ trợ tài chính:
Chính phủ hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách dưới 03 hình thức:
- Hỗ trợ trực tiếp cho dự án xây dựng nhà ở xã hội;
- Miễn thuế đất cho chủ dự án xây dựng nhà ở xã hội: Chính phủ trả bù khoản thuế được miễn cho chính quyền địa phương sở tại;
- Áp dụng mức thuế giá trị gia tăng ưu đãi (5,5%), đổi lại Tỉnh trưởng có quyền giữ lại 30% số căn hộ của dự án trong đó 5% dành cho cán bộ công chức của Chính phủ.
• Quỹ tiết kiệm của nhân dân (Caisse des dépôts et consignations): Quỹ cho vay dành cho nhà ở xã hội lâu đời nhất tại Pháp. Thông qua phát hành sổ tiết kiệm A (Livret A), cung cấp tín dụng cho các dự án xây dựng mới nhà ở xã hội.
Một dự án nhà ở xã hội mới hiện nay
Các vấn đề tồn tại
Bên cạnh các thành tựu đạt được, nhà ở xã hội tại Pháp hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội và đô thị cần được giải quyết, đây cũng là các bài học mà Việt Nam có thể rút kinh nghiệm cho phát triển nhà ở xã hội.
Cơ chế phân phối, thu hồi: Nhà ở xã hội được phân phối hoặc cho thuê dựa trên cơ sở mức thu nhập của người đăng ký. Tuy nhiên khi mà mức thu nhập của các chủ hộ thay đổi tăng lên thì việc thu hồi lại các căn hộ cho thuê là việc hết sức khó khăn. Người thuê nhà luôn có xu hướng chiếm giữ căn hộ lâu dài để được hưởng các ưu đãi về già. Điều này dẫn đến sự bất công đối với những người khó khăn thực sự về nhà ở nhưng không được thuê do không còn đủ quỹ nhà. Với lý do đó Luật « Boutin » năm 2009 đã ra đời quy định việc thu hồi lại các căn hộ xã hội đối với các chủ hộ có mức thu nhập vượt quá 02 lần mức trần thu nhập quy định. Tuy nhiên việc thực thi luật này cũng rất khó khăn do vấp phải các vấn đề xã hội và nhân đạo.
Phát triển quỹ nhà ở: Dựa theo các chỉ tiêu chính thức để được quyền thuê nhà thu nhập thấp, thì có khoảng 60-70% dân số Pháp đáp ứng được, tuy nhiên Luật chỉ quy định tỉ lệ bắt buộc nhà ở xã hội là 20% tổng quỹ nhà ở, do vậy dẫn đến một sự thiếu hụt rất lớn về nhà ở XH cần được đáp ứng.
Chất lượng nhà: Chất lượng nhà ở xã hội là một vấn đề khá bức xúc tại Pháp. Hầu hết các khu nhà ở HLM được xây dựng từ những năm 1960-1980 với tiêu chuẩn xây dựng thấp để giảm chi phí xây dựng. Ví dụ năm 1968 chỉ có 40% các căn hộ có khu vệ sinh đạt yêu cầu, con số này là 80% trong những năm 1970. Cho đến nay, phần lớn các khu nhà ở HLM đã cũ nát và không đáp ứng được các yêu cầu và chỉ tiêu xây dựng mới. Các khu vực này hiện là đối tượng của các dự án tài thiết cải tạo đô thị.
Quy hoạch thiếu tính xã hội: Sống trong các khu nhà ở xã hội là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Pháp. Các khu nhà ở HLM trở thành biểu tượng của sự nghèo nàn, của thất nghiệp và tội phạm. Thành phần cư dân ở các khu nhà ở xã hội HLM là các tầng lớp có mức sống thấp nhất trong xã hội bao gồm: người nhập cư, sinh viên, người thất nghiệp..... Tại các khu vực nhà ở này đã xảy ra tình trạng phân tách xã hội sâu sắc. Những hệ lụy của vấn đề này đã trở nên trầm trọng và gây ra sự chia rẽ trong xã hội Pháp đương đại, khi mà những người nghèo, người nhập cư cảm thấy không thể hòa đồng và bị đẩy ra bên lề xã hội. Hàng loạt các vụ bạo động lớn xảy ra năm 2006 tại ngoại ô Paris và các thành phố lớn, nơi tập trung các khu nhà ở xã hội, được cho như là sự phát nổ của quả bom các vấn đề xã hội Pháp. Bên cạnh nhiều nguyên nhân của vấn đề trên, quy hoạch thiếu tính xã hội được cho là một thủ phạm. Một thực tế là các khu nhà ở xã hội HLM được quy hoạch xây dựng cách biệt tại các khu ngoại ô xa xôi của các thành phố lớn để tiết kiệm chi phí đất đai, tạo ra sự cách biệt về không gian đô thị. Sự cách biệt về không gian cùng với phần tách thành phần cư dân đã góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phân cách xã hội phát sinh.
Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng các khu nhà ở xã hội với quy mô quá lớn, lên đến hàng ngàn đơn vị ở chỉ để giải quyết vấn đề cấp bách về nhà ở mà không gần với phát triển hạ tầng xã hội và các điều kiện việc làm càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Tại các khu nhà ở xã hội, tỉ lệ thất nghiệp là đặc biệt cao so với các khu vực đô thị khác, và tập trung chủ yếu trong giới trẻ. Theo bản Báo cáo của tổ chức Quan sát các khu đô thị nhạy cảm: Tỉ lệ thất nghiệp tại các khu nhà ở xã hội của Pháp năm 2005-2006 cao gấp đôi tỉ lệ toàn quốc, chiếm tới 22,1% dân cư ở độ tuổi lao động và trong đó 22% là thanh niên (Roland Pignol, Témoignages sur le monde HLM, Emerit Publishing,2010).
Quy hoạch các khu nhà ở xã hội hướng tới mục tiêu “Hòa trộn xã hội”
Khái niệm: “Grand emsemble” chỉ các khu nhà ở xã hội tập chung được xây dựng với quy mô lớn tại Pháp trong thập niên 60-70 đã ăn sâu vào tiềm thức người dân giống như “Khu tập thể” tại Việt Nam cho thấy khía cạnh thất bại của công tác quy hoạch. Việc quy hoạch với quy mô quá lớn và quá tách biệt trong không gian đô thị được cho là nguyên nhân làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp tại các khu vực này. Do đó, vào năm 1973, một đạo luật đã được thông qua nhằm hạn chế việc xây dựng các khu nhà ở HLM với quy mô lớn trên 500 đơn vị ở. Sau những năm 70, tại các đô thị của Pháp, tiêu biểu là Vùng Paris, một hình thái phát triển đô thị mới ra đời thay thế cho các Grand ensemble đó là các thành phố vệ tinh (Ville nouvelle). Hình thái này cho phép phát triển các đô thị quy mô nhỏ nhưng có chức năng đầy đủ, khắc phục các hạn chế của các khu nhà ở xã hội tập trung trước đây chỉ chú trọng đến chức năng ở mà không gắn với các điều kiện tạo công ăn việc làm và sinh hoạt văn hóa cho cư dân. Đặc biệt, khi mà cư dân tại đây có mức thu nhập thấp nhưng lại rất đa dạng về chủng tộc và văn hóa, tôn giáo.
Hưởng tới một sự «Hòa trộn xã hội» (Mixité sociale) là mục tiêu mà xã hội Pháp đang xây dựng hiện nay, điều này được thể hiện cụ thể qua công tác quy hoạch các khu ở xã hội mới. Rút bài học từ quá khứ, các dự án nhà ở xã hội hiện nay được thực hiện với quy mô vừa và nhỏ và được bố trí xen kẽ trong các khu vực đô thị chứ không phát triển với quy mô lớn và tách biệt ở ngoại ô như trước kia. Kể từ năm 2003, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Quốc gia về cải cách đô thị (ANRU), nhiều khu nhà chung cư HLM cũ tại Pháp đã được phá đi và nhiều khu khác đã được cải tạo. Cũng từ đó, đã có nhiều dự án xây dựng mới ra đời, mang theo mình ít nhiều ý tưởng cải tiến và sáng tạo mới về mọi mặt. Chất lượng căn hộ cũng được quan tâm và cải thiện đáng kể với sự ra đời của các chỉ tiêu và chứng chỉ bắt buộc như các chứng chỉ về tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp kiến trúc được khai thác triệt để để tăng tính mỹ thuật, chất lượng nhà ở nhưng vẫn giảm được chi phí đầu tư.
Đúc kết một số kinh nghiệm cho phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam
Qua việc nghiên cứu lịch sử và chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Cộng hòa Pháp chúng ta có thể đúc rút một số kinh nghiệm sau:
[Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Số 62 năm 2013, tr.29-32]