Các chính sách hướng tới phát triển bền vững được triển khai đồng bộ ở nhiều cấp đã đưa Singapore trở thành đô thị xanh nhất thế giới và là hình mẫu cho thành phố trong tương lai.
Thành phố trong khu vườn
Nhiều năm qua, Singapore liên tục đẩy mạnh chính sách xanh hóa đô thị thông qua các kế hoạch mở rộng công viên và thảm thực vật. 7 triệu cây xanh được trồng cùng các tòa nhà trung hòa năng lượng xuất hiện ngày càng nhiều đã giúp làm mát đáng kể bầu không khí.
Điều đáng nói là mặc dù Singapore có mật độ dân cư vào loại cao nhất trên thế giới, với hơn 90% dân số sống trong các khu chung cư, nhưng cây xanh vẫn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Màu xanh không chỉ hút mắt tại hơn 300 công viên lớn, nhỏ nằm rải rác khắp Đảo quốc, mà nó còn xuất hiện xen giữa những tòa nhà cao tầng hay thậm chí là ở trên nóc những khu thương mại, các khách sạn, bãi giữ xe ô tô... Dù quỹ đất hạn chế nhưng nhà chức trách vẫn dành đất xây dựng hơn 400 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 3.347ha.
Tất cả các tòa nhà mới xây ở Singapore đều phải đạt chứng chỉ xanh. Chứng chỉ này được cụ thể hóa bằng các yêu cầu như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm triệt để nước và đảm bảo chất lượng không khí.
Môi trường sạch và xanh không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, mà còn khiến quốc đảo Sư tử trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, một thành phố mang tầm vóc toàn cầu đặc biệt và đầy sôi động. Dù vậy, chính phủ nước này chưa dừng lại, “lộ trình xanh” tiếp tục thực hiện với sự tham gia của tất cả cộng đồng cư dân.
Nếu như nhiều thập kỷ trước kia, Singapore phát triển theo mô hình “vườn trong phố”, thì hiện nay, chính quyền lại tập trung đưa quốc đảo trở thành “phố trong vườn”. Có nghĩa cả đất nước này sẽ là một khu vườn xanh ngát và phố xá nằm bình yên trong vườn cây đó. Kế hoạch trồng cây xanh bước vào giai đoạn mới - hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học. Toàn bộ dữ liệu về số cây xanh, quá trình sinh trưởng, hệ sinh thái được lưu trữ, quản lý qua các phần mềm số hóa, giúp các nhà quản lý nắm được tình hình, điều chỉnh khi có biến động. Các nhà quy hoạch đô thị cũng như giới kiến trúc sư tiếp tục đưa không gian xanh vào các tòa nhà mới mọc ở khắp thành phố. Họ kết hợp cây xanh vào không gian sống dưới mọi hình thức, như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi.
Bên cạnh đó, Singapore tổ chức nhiều chương trình giáo dục về không gian xanh để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần.
Kế hoạch Xanh Singapore 2030
Với những thách thức ngày càng gia tăng liên quan tới biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn và quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, Singapore đang đẩy nhanh tốc độ đạt được những mục tiêu đưa đất nước trở thành nơi người dân có thể tận hưởng môi trường trong sạch, bền vững và thích ứng với khí hậu.
Kế hoạch Xanh Singapore 2030 là một phong trào toàn quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, quốc đảo này đã vạch ra các mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng trong 10 năm tới nhằm củng cố các cam kết của Singapore theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Pháp năm 2015.
Hướng tới việc đưa lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) về 0 vào năm 2050, Kế hoạch Xanh bao gồm 5 trụ cột liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống.
Trụ cột thứ nhất là chiến lược xây dựng thành phố trong thiên nhiên. Theo đó, đến năm 2030, Singapore sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh và tăng diện tích đất công viên thiên nhiên lên hơn 50% so với năm 2020. Đến năm 2035, quốc đảo sẽ có thêm 1.000 ha không gian xanh và mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên 10 phút đi bộ.
Trụ cột thứ hai, Singapore chú trọng tới triển vọng cuộc sống bền vững. Khái niệm công dân “xanh” cũng ra đời nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng và lãng phí ít hơn. Dự kiến, đến năm 2030, mức nước tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 130 lít/người/ngày và giảm 30% lượng rác thải phải chôn lấp trên đầu người mỗi ngày. Để giảm lượng khí phát thải từ các phương tiện giao thông, xe buýt điện sẽ chiếm 50% số xe buýt công cộng vào năm 2030, mở rộng mạng lưới đường dành cho xe đạp lên khoảng 1.300 km.
Thiết lập lại hệ thống năng lượng là trụ cột thứ 3 với các kế hoạch mở rộng lắp đặt và khai thác điện năng lượng mặt trời, tăng công suất lên ít nhất 2 GWp, có thể đáp ứng khoảng 3%,tương đương nhu cầu sử dụng của 350.000 hộ gia đình vào năm 2030. Bên cạnh việc xanh hóa 80% tòa nhà ở (theo tổng diện tích sàn), Singapore cũng yêu cầu tất cả ô tô và taxi đăng ký mới đều phải là mẫu xe sử dụng năng lượng sạch. Chính quyền nước này cũng đặt mục tiêu lắp đặt 60.000 điểm sạc xe điện trên toàn quốc trong vòng 7 năm tới.
Ở trụ cột tiếp theo về phát triển nền nền kinh tế xanh, Singapore theo đuổi mục tiêu trở thành điểm đến du lịch bền vững, là trung tâm hàng đầu về tài chính và dịch vụ xanh nhằm góp phần vào tương lai ít carbon của châu Á.
Cuối cùng, để thích ứng với tình trạng mực nước biển dâng và tăng cường khả năng phục hồi sau lũ lụt, Singapore đã đặt ra mục tiêu hoàn thành kế hoạch bảo vệ bờ biển phía Đông, bờ biển Tây Bắc (Lim Chu Kang và Sungei Kadut) cùng đảo Jurong. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang tăng cường năng lực của ngành nông nghiệp, thực phẩm để có thể đáp ứng 30% nhu cầu của người dân.
Cam kết với phát triển bền vững
Những cam kết của Singapore đối với tương lai được thể hiện rõ ràng thông qua Phòng trưng bày Singapore bền vững (SSG) tại Marina Barrage, nơi cung cấp cái nhìn tổng quan và những cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển.
Với diện tích 1.618 mét vuông, chia thành sáu khu vực, phòng trưng bày là nơi lý tưởng để mọi người tìm hiểu thông tin về phát triển bền vững ở Singapore và cách nước này ứng phó trước những thách thức của thời đại.
Ngay từ cửa vào, khách tham quan có thể tìm hiểu cơ chế hoạt động của đập nước Marina Barrage. Là một quốc gia ở vùng trũng, Singapore dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu như lượng mưa lớn thường xuyên và dữ dội hơn hoặc nước biển dâng. Một trong những biện pháp quan trọng mà Singapore đã thực hiện để ngăn chặn lũ lụt trong khu vực thành phố là xây dựng Marina Barrage. Đập nước này hoạt động như một cơ chế kiểm soát lũ lụt cho toàn bộ Khu thương mại trung tâm (CBD), đặc biệt là các khu vực trũng thấp như Boat Quay, Chinatown, Little India, Jalan Besar và Geylang. Khi mưa lớn, hàng loạt 9 cửa đỉnh tại đập được kích hoạt để xả nước mưa dư thừa ra biển khi thủy triều xuống. Khi thủy triều lên, bảy máy bơm khổng lồ từ nhà máy bơm có thể xả lượng nước mưa dư thừa ra biển.
Tại Khu A, khách tham quan có thể tìm hiểu về Kế hoạch hành động vì khí hậu của Singapore, chi tiết các biện pháp sẽ được thực hiện để chống biến đổi khí hậu. Các trò chơi tương tác bên trong khu vực này cũng sẽ giúp hiểu thêm về lượng khí thải carbon mà con người đang tạo ra và các bước có thể thực hiện để giảm thiểu lượng khí thải đó. Còn Khu B là nơi kể câu chuyện về quản lý nước sạch, xử lý nước thải của Singapore và những hành động để đảm bảo nguồn cung cấp nước đa dạng và có thể tái sử dụng. Ngoài ra, phòng trưng bày còn có các khu vực thông tin về nỗ lực đưa Singapore trở thành quốc gia không rác thải, quyết tâm xây dựng đô thị thông minh và bền vững.
Với tính bền vững hiện đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của đất nước, SSG hy vọng có thể trở thành địa chỉ truyền cảm hứng cho người dân đóng góp vào phong trào này ngày càng mở rộng.
(Theo hanoimoi.vn)