Chương trình hội thảo quốc gia tổng kết dự án Cities Alliance ACVN/CDF tại thành phố đồng hới ngày 23/4

24.04.2016 ACVN Office
Ngày 23/4/2016, Hội thảo quốc gia tổng kết dự án được diễn ra tại TP Đồng Hới với sự tham gia của hơn 120 đại biểu đến từ 42 đô thị trong mạng lưới CDF và thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài nước đến tham dự.

 

 

Bà Ngô Thị Tám – Tổng Thư ký

Hiệp hội các đô thị VN phát biểu khai mạc hội thảo

 

Dự án “Hỗ trợ tiến trình nâng cấp toàn thành phố tại 20 thành phố vừa và nhỏ ở Việt Nam” (gọi tắt là “Dự án”) được thực hiện trên cơ sở Thỏa thuận tài trợ số CA/LSC/704/01 ngày 17/3/2014 được ký giữa Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Liên minh các thành phố do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hiệp quốc (UNOPS) làm đại diện và có hiệu lực từ ngày 17/3/2014.

Dự án nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế như tổ chức Liên minh các Thành phố (CA hỗ trợ 57,1% tổng nguồn vốn hoạt động của dự án); tổ chức Viện chuyển đổi môi trường và xã hội tài trợ (ISET hỗ trợ 0.33% tổng nguồn vốn hoạt động của dự án), tổ chức Liên minh quyền nhà ở Châu Á (ACHR hỗ trợ 16,19% tổng nguồn vốn hoạt động của dự án), tổ chức Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (vốn đối ứng là 1,36 % tổng số vốn) và vốn góp của các đối tượng thụ hưởng (ước tính chiếm 25,02% tổng số vốn hoạt động của dự án).

Ông Dhiray Ajay Suri – Cố vấn của CA tại Châu Á

Mục tiêu chung của Dự án là nhằm hỗ trợ cộng đồng phối hợp với các đô thị để thúc đẩy việc nâng cấp toàn thành phố tại các thành phố vừa và nhỏ ở Việt Nam. Dự án sẽ dựa trên phương pháp tiếp cận của Quỹ phát triển cộng đồng (CDF) hiện đang được thực hiện ở các đô thị của Việt Nam. Dự án sẽ kết hợp phương pháp tiếp cận CDF ở các đô thị thành viên CDF này và mở rộng mạng lưới CDF đến 20 đô thị mới. Mạng lưới CDF của Việt Nam gồm đến nay (năm 2016) là có 56 đô thị thành viên.

Mục tiêu cụ thể của Dự án:

  • Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người dân;
  • Thu hút sự quan tâm của chính quyền nhằm có những tác động hỗ trợ quỹ và kiện toàn mạng lưới CDF
  • Tăng cường phương pháp tiếp cận cộng đồng để thực hiện nâng cấp hja tầng kỹ thuật toàn đô thị.

Dự án nhằm đạt được các kết quả sau:

  • Gắn kết phương pháp tiếp cận CDF trong các đô thị thành viên và mở rộng mạng lưới CDF ở các đô thị khác;
  • Tăng cường sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định ở địa phương cũng như việc đề ra các chính sách cấp quốc gia thông qua các diễn đàn thành phố, quốc gia và vùng được nâng cao;
  • Vai trò của cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng vào tiến trình nâng cấp được thừa nhận hơn thông qua việc chia sẻ rộng rãi kết quả của phương pháp tiếp cận CDF
  • Thể chế hóa CDF tại cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia như là một phương pháp tiếp cận hiệu quả để phối hợp giữa cộng đồng, đô thị và các bên liên quan khác; và
  • Năng lực của ban điều phối CDF được nâng cao qua việc cung cấp đào tạo cho cán bộ của ban điều phối CDF quốc gia, các kiến trúc sư, kỹ sư trẻ và các tình nguyện viên cộng đồng.

Để nhằm đạt được các mục tiêu trên, Dự án triển khai thực hiện 5 hợp phần hoạt động cơ bản: (1) Thúc đẩy và củng cố tiến trình cộng đồng và tiến trình toàn thành phố; (2) Huy động sự tham gia của người dân thông qua các tiến trình toàn thành phố và diễn đàn cấp quốc gia và khu vực; (3) Tăng cường phản biện chính sách cho các cộng đồng nghèo; (4) Thu hút sự quan tâm của chính quyền nhằm có những tác động hỗ trợ quỹ và kiện toàn mạng lưới CDF; (5) Nâng cao năng lực điều hành CDF.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 3 năm 2016, Dự án đã đạt được các mục tiêu đặt ra và thu được các kết quả nhất định: 13 đô thị đã được tiến hành khảo sát toàn thành phố với sự tham gia của cộng đồng; 6 chuyến trao đổi học tập đã được tổ chức tại 6 đô thị cho tổng số 206 đại biểu đến từ 10 đô thị nhận tài trợ của dự án; 03 hội thảo quốc gia đã được tổ chức tại Hải Dương, Cao Lãnh, Đà Nẵng với các chủ đề gắn liền với sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển đô thị và xây dựng mạng lưới CDF; 02 khóa tập huấn về quản lý quỹ CDF đã được tổ chức tại TP Lào Cai và TP Quy Nhơn cho 107 đại biểu đến từ các đô thị nhận tài trợ của dự án; 10 đô thị được nhận tài trợ của nhà tài trợ CA với tổng số tiền lên đến 225.000 USD để nâng cấp các cơ sở hạ tầng nhỏ tại các khu đô thị nghèo; 02 dự án nhỏ về thí điểm GIS tại đô thị Lào Cai và Tam Kỳ đã thực hiện và được đánh giá tốt; 01 cuộc đối thoại về Luật Quy hoạch đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan Bộ, ngành có liên quan; 01 khóa tập huấn được tổ chức cho hơn 10 tình nguyện viên cộng đồng; 02 khóa đào tạo đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Ban điều phối CDF quốc gia và cán bộ của ACVN và rất nhiều các hoạt động khác đã được tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu của Dự án.

            Hội thảo quốc gia tổng kết dự án đã nêu bật được các kết quả mà dự án đã đạt được trong 2 năm qua, những thuận lợi cũng như những khó khăn khi triển khai dự án ở các đô thị.

            Những thành quả đạt được của Dự án là cơ sở để Hiệp hội các Đô thị Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò không thể thiếu được khi thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của tổ chức trong việc hỗ trợ các đô thị trong quá trình phát triển, vì sự phát triển của đô thị và cộng đồng.

            Sau 24 tháng triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án, bám sát mục tiêu và định hướng kết quả đạt được, Ban quản lý Dự án có những đánh giá ban đầu như sau:

            1. Sự quan tâm vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm, với nhận thức đầy đủ, rõ ràng, làm việc có kế hoạch, phân công phân nhiệm phù hợp, cụ thể, phối hợp nhịp nhàng của chính quyền đô thị (TP/TX và phường/ xã) với Ban quản lý dự án tại đô thị đã góp phần hoàn thành các hoạt động của dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu, mục tiêu của dự án đã đặt ra.

2. Từ kết quả khảo sát, việc xác định nhu cầu một cách chính xác và có phương pháp huy động được sự tham gia của các bên liên quan, là một yếu tố quan trọng giúp việc thực hiện các dự án ở các đô thị nhận tài trợ hoàn thành được mục tiêu ban đầu đặt ra khi ký kết thỏa thuận tài trợ.

            3. Dự án đã gắn kết phương pháp tiếp cận CDF để hình thành, mở rộng và phát triển mạng lưới CDF ở các đô thị:

4. Tổ chức được các hoạt động nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng ở các khâu:

- Phổ biến thông tin, tuyên truyền, vận động để cộng đồng biết;

- Cộng đồng bàn bạc, lựa chọn;

- Cộng đồng quyết định các hạng mục sẽ làm;

- Cộng đồng trực tiếp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính thu – chi và xây dựng các hạng mục hạ tầng cần thiết theo nhu cầu

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Ban Quản lý Dự án đã có những đề xuất kiến nghị: (1) Để phát huy kết quả tốt đẹp, hữu ích của dự án, các cấp chính quyền địa phương, đô thị cần tạo điều kiện để phương pháp tiếp cận CDF được phát triển, mở rộng như một giải pháp hoàn chỉnh đồng bộ, các yếu tố hạ tầng cơ sở ở cộng đồng cũng như một giải pháp phát triển kinh tế ở đô thị; (2) Cần khuyến khích hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm CDF giữa các đô thị, cộng đồng từ kinh phí của chính cộng đồng; (3) ACVN cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt của mô hình CDF cho các thành viên của Hiệp hội các Đô thị Việt Nam trong cả nước và tiếp tục thu hút thêm các Dự án từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Chương trình hội thảo quốc gia tổng kết dự án CA ACVN/CDF đã có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của 5 đô thị nhận tài trợ qua các chủ đề: Vai trò của chính quyền đô thị trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nhỏ tại thành phố Lào Cai; Kinh nghiệm nhóm tiết kiệm cộng đồng hoạt động hiệu quả tại thành phố Bắc Kạn; Kinh nghiệm huy động nguồn lực cho Quỹ Phát triển cộng đồng của thành phố Đồng Hới; Vai trò của Hội Phụ nữ trong quá trình triển khai dự án cộng đồng tại thành phố Đông Hà; phóng sự việc triển khai dự án nhỏ tại Thị xã Đồng Xoài.

Ngoài 01 video tổng kết của dự án ghi lại kết quả và các hoạt động của dự án, các đại biểu đến từ 42 đô thị và đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, Ngành có liên quan đã cùng trao đổi về định hướng phát triển quỹ CDF trong tương lai thông qua việc thảo luận về “Chiến lược huy động nguồn lực phát triển quỹ CDF bền vững ở đô thị”.

Hội thảo tổng kết dự án đã được nhà tài trợ CA – Ông Dhiray Ajay Suri, cố vấn của CA tại Châu Á, Bà Lê Diệu Ánh - Tư vấn điều phối Chương trình quốc gia CA tại Việt Nam và đại biểu của các Bộ, Ngành Trung ương đánh giá cao về những kết quả mà Dự án thu được; qua đó, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam đã mở ra sự hợp tác phát triển mới với các nhà tài trợ trong tương lai nhằm hướng tới sự phát triển bền vững tại các đô thị của Việt Nam.

                                                                           Nguyễn Thị Phương Lan

Điều phối viên dự án CA ACVN/CDF

 

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn