Ngày 19/03/2012 Nhóm Kiến trúc sư Cộng đồng thuộc Hiệp hội các Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Kiến Trúc sư cộng đồng nhằm giới thiệu rộng rãi hoạt động của Kiến trúc sư cộng đồng Việt nam nói riêng và toàn khu vực Châu Á nói chung. Tham gia Hội thảo có PGS.TS. Vũ Thị Vinh – phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và các chuyên gia văn phòng Điều phối Quốc gia Quỹ phát triển cộng đồng - ACVN, anh Chawanad - đại diện mạng lưới Kiến trúc sư cộng đồng (CAN) Châu Á, Liên minh quyền nhà ở Châu Á (ACHR),TS.Kiến trúc sư Lê Văn Thương phó hiệu trưởng trường ĐH Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh, và Bà Đỗ Thị Thanh Huyền giám đốc Enda Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các Kiến trúc sư, các sinh viên quy hoạch, kiến trúc và các ngành xã hội học của các trường đại học khác như ĐH Mở TP HCM, ĐH Xã hội nhân văn TP HCM. Hội thảo đã giới thiệu tổng quan về Quỹ Phát triển cộng đồng và vấn đề Quy hoạch cải tạo nhà ở có sự tham của cộng đồng. Cụ thể những bài học thành công tại Khu tập thể (KTT) Hữu Nghị, phường Cửa Nam TP Vinh, KTT May 1 Phường Nguyễn Trãi TP Hải Dương là những minh họa rất cụ để toàn bộ đại biểu tham gia hội thảo có thể hiểu rõ một cách cơ bản nhất thế nào là Kiên trúc sư cộng đồng và Kiến trúc sư cộng đồng làm gì. Tiếp theo anh Chawanad-đại diện mạng lưới Kiến trúc sư cộng đồng (CAN) Châu Á/ACHR đã giới thiệu tổng quát về mạng lưới Kiến trúc sư cộng đồng khu vực Châu Á. Đoàn Campuchia chia sẻ kinh nghiệm của họ, tất cả đã giúp đại biểu hình dung được mạng lưới trên toàn khu vực và hiểu rằng đây là một hoạt động thực sư ý nghĩa có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia và toàn khu vực. Buổi chiều các đại biểu cùng đi thăm bài học thành công tại dự án tái đinh cư Tân Hóa Lò gốm - một không gian sống đặc trưng của cộng đồng nghèo, gần gũi, thân quen, bà con sống chan hòa với nhau trong tình làng nghĩa xóm. Đây là bài học rất ý nghĩa đối với các cộng đồng có hoàn cảnh tương đồng. Các thủ lĩnh cộng đồng tại các TP khác như Hải Dương, Hưng Yên, Tam Kỳ… hết sức ngạc nhiên trước sự thành công của dự án, và đó là động lực mạnh thúc đẩy họ vươn lên tự lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của chính cộng đồng họ. Bà Lê Diệu Ánh Điều phối viên quốc gia Quỹ phát triển Cộng đồng đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý báu khi thực hiện dự án này.Ngay sau Hội thảo tại TP HCM, từ ngày 20-23/03/2012 Hiệp hội các đô thị Việt Nam phối hợp với TP Tân An tổ chức một khóa tập huấn Kiến trúc sư Cộng đồng tại TP Tân an. Khóa tập huấn là cơ hội để các bạn Kiến trúc sư trẻ, các bạn sinh viên có cơ hội làm việc trực tiếp với một cộng đồng nghèo cụ thể và cũng là động lực đầu tiên để thúc đẩy tiến trình cộng đồng tại TP Tân An.Khu dân cư lấn chiếm trên đất công và kênh rạch hẻm 115 Nguyễn Thái Bình khu phố Bình Đông 1 Phường 3 TP Tân An gồm 14 hộ gia đình nghèo chủ yếu là người làm thuê và chạy xe ôm, cuộc sống rất bấp bênh. Họ sống trong những ngôi nhà được dựng lên rất tạm bợ trên phần đất công và đất ven kênh. Đến nay những ngôi nhà tạm bợ đó đã không còn đáp ứng được nhu cầu sống hiện tại của mỗi gia đình. Họ mong muốn nhà nước bán cho họ phần đất công không sử dụng đó để họ có điều kiện xây cất sửa sang những ngôi nhà tốt hơn. Đầu tháng 10/2011, VĐPQG quỹ PCTĐ phối hợp với Ban QL quỹ PTCĐ TP Tân An tiến hành khảo sát khu dân cư thu nhập thấp toàn thành phố với sự tham gia của cộng đồng. Được giới thiệu về những kinh nghiệm cải thiện nhà ở tại các địa phương khác người dân ở đã rất vui mừng và mong muốn họ cũng có thể làm được như vậy.Từ đó đến nay cộng đồng đã làm đơn xin chính quyền địa phương đồng ý cho cộng đồng dân cư ở đây được tái định cư tại chỗ và từng bước đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền.Ngày 20/03/2012, ngày làm việc đầu tiên với mục đích cùng với cộng đồng tìm hiểu thông tin hoàn cảnh của từng hộ gia đình và mối quan hệ giữa các gia đình với nhau. Đây là cơ hội để các hộ gia đình cùng ngồi lại với nhau và hiểu về nhau hơn. Cộng đồngđã cùng nhau tổng kết bảng thông tin để có cái nhìn tổng thể về tình trạng của toàn khu nhưtổng số hộ gia đình, số thành viên mỗi nhà, tình trạng định cư, các nguồn thu nhập hàng tháng v...v…Sau ngày làm việc đầu tiên người dân đã bắt đầu nhận ra họ mới chính là người có thể giúp họ thay đổi hoàn cảnh sống của chính họ chứ không phải chờ đợi sự giúp đỡ từ phía bên ngoài. Đối với các bạn sinh viên trẻ đã tiếp cận với công việc tìm hiểu thông tin khá nhanh và có kết quả tốt, nhanh chóng tạo được mối quan hệ tốt với người dân. Ngày 21/03/2012 , cộng đồng cùng nhau quy hoạch khu ở. Tạo điều kiện để người dân cùng ngồi lại bàn bạc thương lượng tìm phương án để 14 hộ gia đình có thể sống cùng nhau trên diện tích đất công đã được chính quyền TP chấp thuận cho họ táiđịnh cư tại đó. Trong quá trình thương lượng, phát sinh thêm 1 hộ gia đình, vì ở tại đây 1 gia đình có 3 anh em đã lập gia đình và sống riêng chứ không chỉ có 2 như thông tin ban đầu. Sau khi thảo luận, toàn bộ người dân chấp thuận phát sinh thêm 1 hộ gia đình vì hộ này có quan hệ thân thiết với các hộ còn lại trong nhóm, họ cũng đã sống trên khu đất này thời gian dài và có công giữ và cải tạo khu đất này. Người dân khẳng định lại chính xác số hộ gia đình sẽ là 15 chứ không còn là 14 như trước. Sau đó 15 hộ gia đình bắt đầu sắp xếp vị trí các hộ gia đình trên miếng đất. Rất nhiều vướng mắc, đã có rất nhiều tranh luận và người dân đã cùng nhau thương thảo, cuối cùng cộng đồng cũng tự dàn xếp và thương lượng ổn thỏa, từ đó sắp xếp được sơ đồ vị trí các hộ trên khu đất tái định cư. Buổi chiều các Kiến trúc sư cùng các chuyên gia và các bạn sinh viên cùng nhau triển khai các phương án quy hoạch dựa trên sơ đồ QH mong muốn của người dân. Buổi tối người dân quay trở lại cùng giao lưu văn nghệ, sau đó các chuyên gia trình bày các phương án để người dân cùng nhau thương thảo và lựa chọn phương án. Kết quả ngày làm việc thứ 2 cộng đồng đã chủ động tham gia vào các bước, thay đổi nhận thức mong chờ, ỷ lại sự giúp đỡ từ bên ngoài cũng như sự tự ti trước đây của cộng đồng. Có được phương án quy hoạch cơ bản, người dân bước đầu có cái nhìn cụ thể về cách họ sẽ sống cùng nhau ra sao trong tương lai. Các bạn sinh viên tham gia cũng hiểu rõ được các bước để cộng đồng cùng nhau quy hoạch.Ngày 22/03/2012, các cộng đồng suy nghĩ về ngôi nhà mơ ước của mình và thảo luận cùng nhau tiết kiệm để có nhà ở. Buổi sáng, cộng đồng cùng nhau phân tích lại một lần nữa phương án đã lựa chọn. Sau 1 đêm suy nghĩ có lẽ nhiều người đã nhận ra rõ ràng hơn cái được cái chưa được của phương án nên bắt đầu đưa ra thêm một số đề xuất. Có một số nhóm ý kiến khác nhau, 1 nhóm cho rằng không cần vườn hoa, không gian công cộng để cho nhà rộng, một nhóm cho rằng phải có chỗ chơi cho trẻ em… và những ý kiến cá nhân khác. Đã xẩy ra một cuộc tranh luận nên cộng đồng đã cùng nhau họp bàn tại hiện trường, cùng nhau đo vẽ theo kích thước thực tế và cùng nhau thương lượng. Tuy nhiên, để đi đến thống nhất, cộng đồng sẽ cần thời gian dài để cùng nhau thương lượng. Buổi chiều, bà con cùng nhau tính toán giá thành của ngôi nhà mơ ước. Hầu hết đều là các gia đình rất khó khăn nên khi hình dung số tiền đều cảm thấy quá lớn và quá sức của mình, họ cảm thấy lo lắng và hoang mang, một số ý kiến còn cho rằng cứ sống như vậy cho khỏi tốn tiền. Đây là lúc mà các kiến trúc sư cùng các chuyên gia phát triển cộng đồng cần phải đưa ra những phân tích để cộng đồng tin tưởng vào khả năng tự cải thiện cuộc sống của chính họ. Người dân ở đây cuộc sống bấp bênh lo kiếm ăn từng ngày nên hầu như chưa có thói quen tiết kiệm, sau khi nghe và hiểu về quỹ tiết kiệm cộng đồng bà con đã thống nhất với nhau cùng nhau thử tiết kiệm trong thời gian 3 tháng để xem mỗi gia đình có thể tự có được bao nhiêu tiền để xây dựng ngôi nhà mơ ước trong tương lai. Tuy mọi vấn đề mới là bắt đầu nhưng toàn bộ người dân cảm thấy rất vui mừng và họ tự tin vào khả năng của mình và tin vào một cuộc sống ổn định hơn trong tương lai không xaTrong 3 ngày làm việc tại Khu dân cư lấn chiếm trên đất công và kênh rạch hẻm 115 Nguyễn Thái Bình khu phố Bình Đông 1 Phường 3 TP Tân An. Các thủ lĩnh cộng đồng tại các TP bạn như TP Vinh, Hải Dương là những nơi đã thành công trong hoạt động này đã rất nhiệt tình chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng dân cư nơi đây. Các thủ lĩnh cộng đồng và các lãnh đạo địa phương ở các TP mới như Tam Kỳ, Sóc Trăng, Cà Mau đã rất nhiệt tình tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm mới để có thể thực hiện tại địa phương họ.Hội thảo đã tạo được cú hích khởi đầu cho tiến trình cộng đồng tại khu dân cư hẻm 115, Đường Nguyễn Thái Bình, khu phố Bình Đông 1, Phường 3, thành phố Tân An nói riêng và toànTân An nói chung. Giúp chính quyền thành phố Tân An và các thành phố khác tham dự tập huấn hiểu được tiến trình quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Bước đầu tạo được liên kết cộng đồng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tự khắc phục khó khăn về nhà ở trên quy mô toàn quốc. Khóa tập huấn đã thu hút sư quan tâm của các kiến trúc sư trẻ, các bạn sinh viên kiến trúc, quy hoạch của các trường đại học và nhiều ngành xã hội khác. Các bạn trẻ đã có một cơ hội trải nghiệm để thực sự hiểu rõ phương pháp làm việc cùng với cộng đồng nghèo. Quá đó chúng ta có thể tin tưởng vào sự phát triển bền vững của nhóm Kiến trúc sư cộng đồng ở Việt Nam. Kiến trúc sư: Lê Như Ngà Nhóm VCAN
|