Liên minh các thành phố và chính quyền địa phương, gọi tắt là UCLG là một tổ chức phi chính phủ đại diện cho các thành phố và chính quyền địa phương toàn cầu. UCLG được thành lập ngày 1/1/2004, có trụ sở tại Barcelona, Tây Ban Nha. UCLG được Liên Hợp Quốc công nhận, và có vai trò đề cử 10 trong tổng số 20 thành viên của Ban cố vấn LHQ về các vấn đề chính quyền địa phương (UNACLA). UCLG được chia thành 9 mạng lưới khu vực và đối tượng hoạt động, trong đó UCLG ASPAC đại diện cho các thành phố và chính quyền địa phương ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (châu Á TBD). Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) tham gia UCLG ASPAC từ năm 2007 và hiện là thành viên Ban Chấp Hành và Hội đồng của tổ chức.
Từ ngày 11 - 15/9/2018, Liên minh các thành phố và chính quyền địa phương đã tổ chức Đại hội lần thứ VII tại thành phố Surabaya, Indonesia. Tham gia đại hội, đoàn đại biểu của Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) gồm ông Trần Viết Trung, Phó Giám đốc sở Xây Dựng, thành phố Hà Nội – thành phố Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, thành viên Ban Chấp Hành Hiệp hội.
Được coi là sự kiện lớn nhất của UCLG ASPAC, đại hội là dịp để các thành phố, chính quyền địa phương và đối tác gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng hợp tác trên các lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị và quản trị địa phương.
Đại diện đoàn ACVN và Malaysia tại Đại hội
Với chủ đề “Phát triển mang tính sáng tạo vì các thành phố bền vững”, Đại hội lần này tổ chức nhiều hoạt động tiếp nối và song song. Đại biểu tham dự đại hội được tham gia vào nhiều hoạt động lớn, từ các hội nghị cấp cao thảo luận các vấn đề về phát triển đô thị, đổi mới và ứng dụng, đến những phiên thảo luận theo chủ đề, các chương trình giao lưu và triển lãm, tạo cơ hội trao đổi thông tin, kết nối hợp tác và tăng cường mạng lưới. Trọng tâm của các hoạt động, các sự kiện tập trung thảo luận những vấn đề thiết thực cho phát triển đô thị và chính quyền địa phương, các vấn đề cộng đồng đang phải đối mặt trong hiện tại, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu như mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), chương trình đô thị mới (NUA) ở khu vực châu Á TBD.
Đặc biệt, Đại hội VII tập trung vào vấn đề phát triển sáng tạo lấy con người làm trung tâm; tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương và các đối tác nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo thu nhập và môi trường thuận lợi; tăng cường nguồn lực địa phương, đặc biệt là vai trò của thanh niên, phụ nữ; phát triển không gian công cộng, môi trường thân thiện cho trẻ em, năng lượng và giao thông đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Đại hội là lễ phát động kêu gọi các thành phố trên thế giới tham gia “Khế ước Thị trưởng toàn cầu” (GCoM). GCoM là một liên minh các thành phố và chính quyền địa phương có chung tầm nhìn dài hạn trong việc thúc đẩy và hỗ trợ các hành động tự nguyện để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng một xã hội giảm nhẹ khí thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với lễ phát động, trong hai ngày 12-13/9/2018, các địa biểu đã tham dự khoá tập huấn “Năng lượng Đô thị và Hành động khí hậu: Mục tiêu và xây dựng kế hoạch”. Phiên thảo luận chủ đề về “Tham vấn Chính quyền địa phương về việc gia tăng phương tiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự Đô thị mới ở khu vực châu Á Thái Bình Dương”, và “Kết nối mạng lưới: Phát triển không gian công cộng đô thị - Hướng đến chiến lược vùng”. Khoá tập huấn đã cung cấp tổng quan các công cụ đang được áp dụng để giúp các thành phố xây dựng kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và năng lượng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn của Liên Minh Châu Âu và khu vực châu Á.
Đặc biệt, đoàn đại biểu ACVN đã tham dự phiên họp Ban Chấp Hành UCLG ASPAC, thông qua các văn kiện báo cáo hoạt động của tổ chức trong nhiệm kỳ 2016-2018. Theo kết quả bầu cử ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2018-2020, ACVN vẫn là thành viên Ban Chấp Hành và Hội đồng UCLG ASPAC khu vực Đông Nam Á.
Đoàn ACVN chụp ảnh lưu niệm với Tổng Thư ký UCLG ASPAC
Đại hội VII kết thúc với ấn tượng tốt đẹp của các đại biểu về một thành phố Surabaya mến khách, nồng hậu và có nhiều sáng tạo trong quản lý đô thị. Thành phố đã được trao giải thưởng Gwangzhou 2018, cùng các thành phố khác như Tokyo (Nhật Bản) và Hambourg (CHLB Đức) cho những sáng kiến quản lý môi trường, giảm thiểu carbon và huy động sự tham gia của người dân trong công tác quản lý đô thị. Các đại biểu Việt Nam đánh giá cao chất lượng nội dung các phiên họp, và đề xuất các thành phố Việt nam nên được tạo điều kiện tham dự các sự kiện trao đổi tập huấn của UCLG ASPAC và các tổ chức trong khu vực để cập nhật trao đổi kiến thức và kỹ năng quản lý phát triển đô thị, đồng thời tăng cường vị thế của các thành phố Việt Nam với các đối tác trong khu vực.
Nguyễn Thu Thuỷ