Mục tiêu của chuyến tham quan tập trung vào giới thiệu các sáng kiến địa phương và chương trình phát triển tại TP Cần Thơ về xây dựng liên kết toàn diện, làm động lực cho tăng trưởng và phát triển đô thị bền vững; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về tăng cường khả năng thích ứng đô thị với lãnh đạo và cán bộ cấp cao của 7 thành phố trong mạng lưới dự án CDS và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các thành phố Việt Nam về phát triển kinh tế địa phương. Chương trình tham quan học tập đã nhận được sự quan tâm và tham gia của lãnh đạo chủ chốt của các thành phố Việt Trì, Hưng Yên, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Bến Tre và đại diện lãnh đạo của Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Học viện quản lý cán bộ xây dựng và đô thị (AMC).
Trong chương trình tham quan, đồng chí Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả Thành phố Cần Thơ đã đạt được trong thời gian qua nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao điều kiện, chất lượng cuộc sống cho người nghèo đô thị như cải thiện điều kiện sống ở 35 khu LIA (khu thu nhập thấp với điều kiện sống chưa đầy đủ) trong hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy; cải thiện công trình công cộng phục vụ người dân từ nguồn vốn ODA Công viên Lưu Hữu Phước; Công viên Hùng Vương... Bên cạnh đó, Thành phố Cần Thơ đã có chiến lược thu hút các nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho người dân, cải thiện môi trường sống cho người dân thông qua các dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị với tổng vốn đầu tư 322 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn hỗ trợ của WB và nguồn vốn đối ứng của thành phố nhằm mục tiêu chính là giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm; tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới; tăng cường năng lực chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai của thành phố Cần Thơ. Đây là bước phát triển lớn đưa Thành phố Cần Thơ trở thành 1 trong 3 thành phố được chọn là thành phố mẫu về phát triển dựa trên bản sắc văn hóa vùng miền. Và vừa qua đề án Chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là di sản quốc gia, thời gian tới thành phố sẽ đưa lên thành di sản thế giới. Một phương thức hiệu quả mà thành phố Cần Thơ đã thực hiện trong thời gian qua trong quá trình cải tạo cảnh quan đô thị là thực hiện xã hội hóa. Thành phố Cần Thơ đã thực hiện Xã hội hóa việc chiếu sáng cầu Cần Thơ cũng như xã hội hóa các công trình khác. Các máy móc tập thể dục tại hệ thống công viên cũng được huy động thông qua hình thức xã hội hóa.
Đoàn đại biểu làm việc tại phòng họp UBND TP Cần Thơ
Trong 2 ngày 30/9 và 01/10, đoàn đại biểu đã đến trao đổi làm việc với trường Đại học Cần Thơ và Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), KCN Trà Nóc II là cái nôi hỗ trợ phát triển công nghệ trong các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, chế biến nông sản và thuỷ sản - thế mạnh phát triển bền vững của Thành phố Cần Thơ. Một lĩnh vực phát triển kinh tế nữa được thành phố Cần Thơ quan tâm đẩy mạnh là du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa nhằm từng bước cải thiện đời sống kinh tế và văn hóa của người dân. Đoàn đã tham quan mô hình nuôi thủy sản trên sông và mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; tham quan Chợ nổi Cái Răng, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, điểm nhấn du lịch của Thành phố Cần Thơ - đây là biểu tượng du lịch của TP Cần Thơ và là một trong những điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long; tham quan mô hình du lịch văn hóa lịch sử tại nhà cổ Bình Thủy của gia đình họ Dương (xây từ năm 1870) mang kiến trúc Pháp, là sự kết hợp giao lưu văn hóa Đông – Tây.
Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trường đại học Cần Thơ
Đoàn đại biểu tham quan phòng thí nghiệm Vườn ươm công nghệ
Đoàn đại biểu đã rất quan tâm tìm hiểu về phương thức xã hội hóa trong hoạt động cải thiện hạ tầng cơ sở của thành phố Cần Thơ, đặc biệt là cầu đi bộ Ninh Kiều ngoài vai trò là một công trình giao thông thì đây còn là một công trình kiến trúc mang tính chất biểu tượng văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước. Sáng kiến cầu đi bộ Ninh Kiều được giới thiệu với thiết kế uốn lượn mang dáng dấp hình chữ S, mô phỏng hình dáng của Tổ quốc Việt Nam; 9 nhịp tượng trưng cho 9 cửa biển của đồng bằng Sông Cửu Long; trên cầu có 2 điểm mở rộng là 2 đài mái che với kiến trúc mô phỏng hình hoa sen, quốc hoa của Việt Nam; mái che được thiết kế gồm có 2 tầng, mỗi tầng 9 cánh. Mỗi cánh mang dáng dấp của chiếc thuyền Nam bộ, các cánh hoa chụm lại tượng trưng cho hình ảnh họp chợ nổi trên sông; Bên ngoài là hệ thống trụ đỡ dạng cong, bao quanh mái che được mô phỏng từ cấu trúc của chiếc nơm cá, một dụng cụ để bắt cá ở miền Tây Nam Bộ. Cầu đi bộ Ninh Kiều sau khi hoàn thành đã trở thành một địa điểm tham quan mới thu hút hàng ngàn khách du lịch đến với thành phố Cần Thơ
Cầu đi bộ Ninh Kiều
Chương trình tham quan học tập là cơ hội để các đô thị cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về quản trị địa phương, phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức từ thực tiễn. Qua chương trình tham quan học tập lần này đã tạo được sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các đô thị, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống đô thị trong cả nước.
Nguyễn Lan Phương
Hiệp hội các đô thị Việt Nam