[Dự án GCoM châu Á] Đoàn đại biểu đô thị Việt Nam: Sa Pa, Nam Định, Huế và Cao Lãnh tham dự và chia sẻ quá trình xây dựng kế hoạch hành động về khí hậu tại Hội thảo GCoM khu vực Đông Nam Á

03.04.2023 ACVN Office
Hội thảo GCoM khu vực Đông Nam Á được tổ chức vào ngày 30 - 31 tháng 3 năm 2023 tại khách sạn Shangri-La Bangkok, Thái Lan với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các thành phố thí điểm khu vực Đông Nam Á của Dự án GCoM châu Á, các thành phố ký kết GCoM khác ở châu Á và châu Âu, các phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU), các đối tác kỹ thuật từ nhiều tổ chức của EU và Đông Nam Á, Liên minh đô thị và chính quyền địa phương khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UCLG ASPAC), Ban Thư ký GCoM toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, ngài David Daly - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Thái Lan đã tuyên bố và nhấn mạnh một số kênh hỗ trợ mà EU và các đối tác đã thiết lập để các bên ký kết GCoM tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ các đô thị thành viên GCoM thực hiện các hành động khí hậu của mình.

H.E David Daly, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Thái Lan phát biểu khai mạc

Tiến sĩ Bernadia Irawati Tjandradewi (Tổng thư ký Ban Thư ký UCLG ASPAC) thay mặt Ban Thư ký GCoM Đông Nam Á phát biểu. Bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành phố và chính quyền địa phương trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu, đồng thời kêu gọi các thành phố và đối tác nỗ lực đẩy nhanh các hành động khí hậu tại địa phương mình.

TS.Ngô Trung Hải (Tổng Thư ký ACVN), Ông Nguyễn Phước Cường (Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh) làm việc với TS. Bernadia Irawati Tjandradewi (Tổng thư ký Ban Thư ký UCLG ASPAC) và Ông Pornphrom Vikitsreth (Cố vấn của Thống đốc Bangkok)

Tại Đông Nam Á, Dự án GCoM Châu Á do EU tài trợ hỗ trợ 12 thành phố thí điểm đến từ 4 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động về khí hậu (KHHĐKH). Các KHHĐKH là  được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác chuyên môn trong và ngoài nước, ý kiến tham vấn các cộng đồng địa phương trong năm vừa qua. Các đô thị thí điểm của Việt Nam (TP Cao Lãnh, TP Huế, TP Nam Định và Thị xã Sa Pa) đang hoàn thiện KHHĐKH và sẽ triển khai thực hiện  trong năm 2023.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội thảo

Sự kiện lần này tạo điều kiện cho các thành phố và đối tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, ý tưởng và thực tiễn tốt có liên quan để hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động về khí hậu ở cấp địa phương (KHHĐKH) trong 5 phiên làm việc: (i) Tổng quan về việc báo cáo số liệu phát thải khí nhà kính với các hệ thống số liệu trên thế giới; (ii) Phát triển các-bon thấp; (iii) Kinh tế tuần hoàn; (iv) Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu; và (v) Các giải pháp thuận tự nhiên. Hội thảo này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận quan trọng về triển khai chiến lược, cũng như thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các đối tác EU và châu Á trong việc thúc đẩy hành động về khí hậu tại các đô thị trong  khu vực Đông Nam Á.

Các đối tác kỹ thuật thảo luận về những thách thức trong việc sử dụng các phương pháp và những vấn đề liên quan đến thu thập dữ liệu khí nhà kính, rủi ro tổn thương khí hậu với đại diện Cơ quan Chính sách Ngoại giao EU (EU-FPI). Các phương pháp bao gồm: đánh giá ngang hàng, tập huấn nâng cao năng lực về lập kế hoạch khí hậu do Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (EU-JRC) thực hiện. Các đại biểu Việt Nam đã tích cực tham gia chia sẻ và thảo luận tại các phiên làm việc này.

Ông Đỗ Văn Tân (Phó Chủ tịch UBND Thị xã  Sa Pa) chia sẻ về “Sáng kiến phát triển xe điện phục vụ người dân và du khách” của Thị xã Sa Pa và những khó khăn, bài học thu được trong Phiên làm việc Phát triển các-bon thấp hướng tới Đô thị trung hòa carbon.

Ông Trần Song (Phó Chủ tịch UBND TP. Huế) chia sẻ về công tác chống ngập lụt của thành phố trong Phiên làm việc Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Phước Cường (Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cao Lãnh) trao đổi về Sáng kiến Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cao Lãnh trong Phiên làm việc Các giải pháp thuận tự nhiên.

Ngoài ra còn có một số phiên tương tác trong nhóm làm việc về Kinh tế tuần hoàn và phiên trình bày về các KHHĐKH của 4 đô thị thí điểm của Việt Nam, cùng các đô thị bạn đến từ Indonesia, Malaysia.

Bà Vũ Thị Thu Hiền (TP Nam Định) giới thiệu về KHHĐKH của thành phố

Nam Định với các đại biểu quốc tế đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan Công viên Thế kỷ của Đại học Chulalongkorn – Bangkok, một sáng kiến về thích ứng với biến đổi khí hậu và một trong những giải pháp cảnh quan bền vững của Bangkok để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị trong mùa mưa. Công viên được chính thức khánh thành vào năm 2017, hiện được dùng làm không gian công cộng, không gian xanh và giữ nước cho khu vực xung quanh.

 

Đại biểu tham quan Công viên Công viên Thế kỷ

Đại học Chulalongkorn - Bangkok

Các hoạt động tiếp theo của Dự án GCoM châu Á sẽ tập trung hỗ trợ các đô  thị của Việt Nam, Thái Lan hoàn thiện KHHHĐKH để chính thức ra mắt vào giữa năm 2023; tổ chức hội thảo tập huấn về tiếp cận tài chính cho các đô thị GCoM Việt Nam và hỗ trợ kỹ thuật cho các đô thị Việt Nam và các đô thị khác trong khu vực đăng ký đề án xin vốn tài trợ cho các ưu tiên hành động khí hậu của đô thị trong năm 2023 - 2024, cũng như tổ chức Hội  thảo cuối cùng dự án GCoM châu Á tại Indonesia.

                                                                                                                                                                                                                        Văn phòng ACVN

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn