Seoul - Thành phố có hệ thống giao thông thông minh nhất thế giới

20.10.2017 ACVN Office
Cách đây gần 15 năm, khi kỳ FIFA World Cup 2002 được tổ chức tại Hàn Quốc, hơn 10 triệu cổ động viên bóng đá trong trang phục của đội tuyển quốc gia nước này đã tràn ra đường, nhuộm đỏ cả thành phố Seoul. Sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hàn Quốc đã gây ấn tượng mạnh tới du khách và giới truyền thông nước ngoài. Song, điều khiến truyền thông nước ngoài ấn tượng hơn cả là dù có một lượng người khổng lồ đồng loạt đổ ra đường nhưng giao thông ở Thủ đô Seoul vẫn trật tự một cách đáng kinh ngạc.

Giờ đây, gần 15 năm sau kỳ World Cup thành công ở Hàn Quốc, hệ thống giao thông của quốc gia Đông Á này đã phát triển vượt bậc, đạt đến một đẳng cấp mà thậm chí những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh... phải học tập. Tất cả là nhờ vào công nghệ.

CÔNG NGHỆ ĐÃ THAY ĐỔI GIAO THÔNG HÀN QUỐC NHƯ THẾ NÀO?

Năm 2011, Hàn Quốc đã hoàn thành việc lắp đặt cáp quang Internet tốc độ cao trên 3.500km đường cao tốc, tạo nên một mạng lưới giao thông thông minh quốc gia (ITS), qua đó nâng cấp hệ thống giao thông nước này lên một tầm cao mới.

“Giao thông ở Hàn Quốc đã được cải thiện rất nhiều và chất lượng sống của chúng tôi cũng vậy”, ông Hwang Kee Yeon - Giám đốc Viện Giao thông Hàn Quốc (KOTI) phát biểu với CNN như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011.

Cuộc phỏng vấn tiếp tục xoay quanh nội dung làm thế nào mà hệ thống giao thông ITS có thể giúp một thành phố tiết kiệm thời gian, tiền bạc; tăng tốc độ lưu thông trung bình từ 20 lên 24km/h chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, đồng thời cắt giảm tới 1,5 tỷ USD/năm chi phí khắc phục hậu TNGT và ô nhiễm môi trường. Theo đại diện KOTI, chi phí phát triển hạ tầng ITS chỉ tiêu tốn chưa đến 1% chi phí cần thiết để xây một đường cao tốc 4 làn. Do đó, Hàn Quốc chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư cho ITS.

ITS được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông ở Hàn Quốc. Niềm tự hào lớn nhất của hệ thống giao thông công cộng Seoul là Hệ thống Vận hành và Thông tin giao thông Seoul (TOPIS). TOPIS tập hợp đầy đủ các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Dịch vụ quản lý xe buýt, hệ thống thẻ giao thông công cộng, hệ thống thu vé tự động, hệ thống phát thanh truyền hình giao thông, cảnh sát và Ủy ban Giao thông đường bộ (KoRoad) để giám sát và quản lý tất cả tình hình giao thông ở Seoul. Bằng cách truy cập website TOPIS, người ta có thể kiểm tra tình trạng giao thông hiện tại, vị trí tắc đường, vị trí các bãi đỗ xe gần đó cũng như các tình huống khẩn cấp trên đường như: Công trường đang thi công, TNGT... Website này cũng cung cấp thông tin về các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm và xe đạp cùng bản đồ trực quan dành cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Seoul cũng cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng khác cho người dùng giao thông công cộng, chẳng hạn như ứng dụng “Subway Navigation” và “Seoul Bus” trên điện thoại di động cho phép người dùng ước tính thời gian tàu, xe đến, thời gian di chuyển dự kiến, vị trí các ga tàu điện hoặc trạm xe buýt gần nhất. Các ga tàu điện ngầm và trạm xe buýt chính ở Seoul đều được trang bị màn hình LED hiển thị thời gian đến dự kiến của tàu điện ngầm và xe buýt.

TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN LÀ THẺ T-MONEY

Một phát kiến công nghệ vĩ đại đánh dấu bước ngoặt giao thông Hàn Quốc phải kể đến là thẻ giao thông thông minh T-money. Được giới thiệu vào năm 2004, đến nay T-money đang được sử dụng rộng rãi trong việc thanh toán vé xe buýt và tàu điện ở những thành phố lớn như Seoul, Busan và một vài nơi khác như Geonggi-do, Daejeon, Incheon và Daegu.

Thẻ giao thông T-Money

Khác với vé lẻ mua bằng tiền mặt, giá vé khi thanh toán bằng T-money sẽ rẻ hơn 100 won. Hơn nữa, hành khách có thể sử dụng T-Money để chuyển xe buýt, chuyển tàu điện, chuyển từ xe buýt sang tàu điện hoặc ngược lại mà không bị tính thêm phụ phí, thay vì phải mua vé mỗi lần chuyển tàu xe. Đặc biệt, T-money còn được chấp nhận thanh toán tại phần lớn các cửa hàng tiện lợi, một số siêu thị giảm giá, cửa hàng thức ăn nhanh và thậm chí là để trả tiền taxi. T-money được bán rộng rãi ở các cửa hàng tiện lợi có logo T-money và các máy bán thẻ tại ga tàu điện ngầm. Ngoài ra, tính năng T-money còn được tích hợp trong thẻ ngân hàng và smartphone để tiện cho người dùng, khi mà hầu hết người dân Hàn Quốc đều có smartphone và thường dùng thẻ tín dụng để thanh toán.

Không chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, Hàn Quốc còn rất quan tâm đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Một phụ nữ dùng taxi về nhà muộn có thể dùng smartphone để quét thẻ giao tiếp trường gần (NFC) gắn ở sau lưng ghế hành khách để truyền thông tin về số taxi, thời gian và địa điểm lên xe cũng như một số loại thông tin khác tới tổng đài giám sát. Đối với những hành khách đi tàu điện ngầm, Subway Safety Guard là một ứng dụng rất hữu ích trên di động. Ứng dụng này sử dụng kết nối WIFI để báo cáo ngay lập tức những hành vi mất trật tự an ninh trên tàu điện tới cảnh sát.

Không dừng lại ở đó, phụ nữ có thể cảm thấy an toàn hơn khi đi bằng xe buýt về nhà vào ban đêm. Chính quyền TP. Seoul đã chỉ định 600 cửa hàng tiện lợi là “nơi trú ngụ an toàn cho phụ nữ” để họ có thể chạy trốn vào đây khi bị truy đuổi bởi những kẻ xấu. Mặt khác, Seoul còn cung cấp dịch vụ về nhà an toàn, trong đó 2 đến 3 tình nguyện viên của dịch vụ sẽ bí mật hộ tống mỗi phụ nữ về nhà muộn theo yêu cầu của họ.

HÌNH MẪU GIAO THÔNG CỦA THẾ GIỚI

Với sự tiện lợi, an toàn và khả năng kết nối rộng lớn giữa Seoul và các tỉnh, thành khác, công nghệ giao thông Hàn Quốc tiếp tục nhận được sự tán dương của cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị Đại hội đồng Siêu đô thị diễn ra tại Berlin (Đức) năm 2005, Seoul đã được trao giải thưởng Siêu đô thị có cải tiến giao thông công cộng. Năm 2006, tại Đại hội châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 của UITP, Seoul được trao giải thưởng cho các chính sách cải cách hệ thống giao thông bền vững. Giao thông Seoul đã trở thành hình mẫu để các quốc gia khác học hỏi.

Tháng 5/2012, ông Mike Penning - Thứ trưởng Bộ GTVT Anh đã có chuyến công du 4 ngày tới Seoul để khám phá hệ thống giao thông Hàn Quốc và tìm kiếm hợp tác với quốc gia này trong công nghệ giao thông, với mong muốn giảm thiểu UTGT khi chuẩn bị đón hàng triệu lượt khách du lịch đến London vào Thế vận hội Olympic 2012. Cũng trong tháng 5/2012, một phái đoàn của Bộ GTVT Ghana đã đến TP. Busan để tham quan trung tâm thông tin giao thông và trải nghiệm hệ thống giao thông công nghệ cao ở thành phố này. Phái đoàn Ghana ấn tượng mạnh bởi hệ thống phân tích lưu lượng xe cộ trên đường cao tốc, hệ thống thông tin xe buýt cũng như phương pháp sử dụng camera giám sát trên các con đường để giúp cơ quan chức năng phản ứng nhanh chóng với các vụ tai nạn.

Trong thời gian tới, Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư mạnh tay vào công nghệ, trong đó có công nghệ GTVT. Trong kế hoạch được công bố vào tháng 3/2015, Hàn Quốc cho biết nướcnàysẽđầutư5tỷUSDvào ngành công nghiệp IoT (Internet of Things - Vạn vật kết nối Internet) đến năm 2020. Số tiền này sẽ được phân bổ như sau: 70 triệu USD cho IoT; 25,5 triệu USD cho ô tô thông minh; 63 triệu USD cho robot; 89 triệu USD cho thiết bị đeo thông minh; 70 triệu USD cho mạng 5G và 55 triệu USD cho nguyên liệu bán dẫn.

Với việc tập trung đầu tư vào công nghệ, Hàn Quốc quyết tâm tiếp tục đổi mới, đưa ra những sáng kiến cải cách hệ thống giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của 50 triệu người dân và hàng chục triệu khách du lịch đổ về đây mỗi năm.

(Giao thông vận tải)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn