Một số ý kiến về phát triển bền vững

09.11.2015 ACVN Office

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội

Phát triển đô thị bền vững là một tiêu chí quan trọng cho các đô thị phát triển trong thời đại ngày nay.

  1. Phát triển bền vững.

Hiện nay, quan điểm phát triển bền vững đang có xu hướng phổ biến trên thế giới. Phương pháp luận nghiên cứu về vấn đề này đòi hỏi phải có những cách tiếp cận khoa học mới, phù hợp không chỉ với hiện tại mà cả với quá trình phát triển trong tương lai.

Những tư tưởng về phát triển bền vững đã được thể hiện trong các hội thảo từ những năm 70 của thế kỷ XX. Tuyên ngôn Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ nhất về Môi trường nhân loại tại Stockholm 1972 đã nói đến quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và xã hội với vấn đề môi trường, các báo cáo của câu lạc bộ Roma đã cận giải cho chiến lược phát triển bền vững. Lần đầu tiên năm 1987 bà GroHarlem Brundtland- Chủ tịch hội đồng thế giới về môi trường của Liên hiệp quốc đã đưa ra định nghĩa: “ Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” được trình bày trong bài “ Tương lai chung của chúng ta”. Khi chuyển dần từ vấn đề sinh thái sang những vấn đề xã hội “ Phát triển bền vững với tính cách là vấn đề xã hội” là công trình nghiên cứu của A.B.Veber.

Tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức tại Nam Phi đã mở rộng là: “ Phát triển bền vững là quá trình có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của phát triển đó là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”.

Hiện nay, chúng ta đang từng bước hoàn thiện quan niệm phát triển bền vững. Về phương diện khoa học, nó phải trở thành lý luận, về phương diện thực tiễn phải trở thành chiến lược và chính sách phát triển bền vững.

  1. Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển bền vững.
  1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể là từng năm.
  2. Quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể tính theo GDP bình quân đầu người ( theo giá hiện hành). Quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người phụ thuộc vào quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tốc độ gia tăng dân số của đất nước, của địa phương.
  3. Chỉ tiêu phản ánh sự biến đổi cơ cấu kinh tế- xã hội: Sự thay đổi về chất, về trình độ phát triển kinh tế xã hội của nền kinh tế, chỉ tiêu này bao gồm các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu kinh tế ngành và sự biển đổi về cơ cấu xã hội.
  4. Chỉ tiêu đánh giá trình độ phát triển xã hội: được nghiên cứu ở sự phát triển con người và mức độ đời sống, tình trạng nghèo đói và mức độ bất công bằng.
  • Sự phát triển con người (HDI)
  • Mức sống, tình trạng nghèo đói và mức độ bất công bằng.
  1. Các chỉ tiêu về tài nguyên- môi trường: Trước hết liên quan đến việc xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và tiết kiệm, có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu.

II. Phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

  1. Mục tiêu chung phát triển bền vững là quá trình kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa của 3 mặt phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng cao và ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý hiện đại theo hướng ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn, ít gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tránh được sự khủng hoảng và suy thoái kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng biến đổi khí hậu...

Phát triển văn hóa, giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ để thực sự là động lực phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội. Tập trung giải quyết tình trạng nghèo, tệ nạn xã hội và giảm thất nghiệp....

Phát triển bền vững môi trường phải tính toán các phương án do tác động của con người với thiên nhiên để phát triển kinh tế- xã hội để chọn phương án tối ưu nhằm nâng cao chất lượng sống con người nhưng vẫn phải đảm bảo cân bằng các hệ sinh thái. Từ đó, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý có hiệu quả ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường, tác động của biển đổi khí hậu...

  1. Nguyên tắc phát triển bền vững trên cơ sở vận dụng các tiêu chí được đưa ra tại các hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững, bao gồm: có sự tham gia rộng rãi cộng đồng của các thành phần xã hội; tầm nhìn do tất các tầng lớp đồng thuận đưa ra; gắn kết chặt chẽ các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường; giữa chính quyền và các tổ chức địa phương trong việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển bền vững; có chương trình hành động cụ thể gắn với những mục tiêu phát triển bền vững lâu dài; có các tiêu chí là công cụ đánh giá và giám sát thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và có hệ thống giám sát, báo cáo....
  2. Một số vấn đề cần nghiên cứu trong xây dựng định hướng chiến lược phát triển bền vững:
  1. Về phát triển kinh tế:
  • Hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường cơ bản của kinh tế thị trường, nhất là thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ...... Hoàn thiện và mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán trở thành nguồn vốn huy động có hiệu quả cho đầu tư phát triển, tiếp tục đổi mới nhằm tăng cường tính cạnh tranh và lành mạnh hóa thị trường tài chính ngân hàng. Ban hành đồng bộ các văn bản pháp luật để phát triển và quản lý hiệu quả thị trường bất động sản.
  • Chủ trương phát triển công nghiệp trong tương lai là công nghiệp sạch và công nghệ cao; công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp phụ trợ. Phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có giá trị cao, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến...
  • Chuyển mạnh cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất các sản phẩm hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vững  chắc an ninh lương thực....
  1. Về phát triển văn hóa- xã hội.
  • Đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
  • Nâng cao chất lượng dân số và thể chất, trí tuệ và tinh thần, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật liên quan tới sức khỏe sinh sản, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi...
  • Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
  1. Về bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên:
  • Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.
  • Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất.
  • Thu gom và xử lý chất thải rắn.
  • Bảo vệ môi trường không khí.
  • Bảo vệ và phát triển cảnh quan...

Tóm lại, chúng ta đang đứng trước những thách thức và tồn tại cần khắc phục trong phát triển bền vững. Để giải quyết được, trước hết phải xây dựng được chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị có tính bền vững một cách toàn diện, có tính khả thi, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường. Có những chính sách đồng bộ thống nhất cùa các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành Trung ương trong thực hiện và sự tham gia thực hiện của cộng đồng dân cư mới đảm bảo cho quá trình phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.

 

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn