Xây dựng đô thị nhân văn phục vụ cuộc sống hạnh phúc cho người dân

23.10.2023 ACVN Office
Tiến sĩ Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cho hay xu thế xây dựng đô thị hiện nay là hướng đến không gian sống, nhân văn căn cứ trên nền tảng các chỉ số hạnh phúc vì dân thì mới thật sự phát triển bền vững.

Sáng 21/10, Hiệp hội các đô thị Việt Nam phối hợp với UBND TP Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị thường niên cụm các đô thị Nam Trung Bộ hướng tới xây dựng đô thị thông minh, xanh - sạch - đẹp - sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

Quang cảnh Hội nghị

Tiến sĩ Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, các đô thị Việt Nam đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, các địa phương cần lồng ghép các giải pháp ứng phó tác động biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị.

Việc quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải... Song, phải phù hợp với chiến lược tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia, với tầm nhìn dài hạn.

“Xu thế phát triển đô thị hiện nay là hướng đến đô thị sống động, nhân văn căn cứ trên nền tảng các chỉ số hạnh phúc của người dân thì mới thật sự phát triển bền vững”, Ông Hải nhấn mạnh.

Đô thị Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ.

Trong khi đó, ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, cho rằng các thành phố, thị xã trong khu vực Nam Trung Bộ có mật độ dân số cao và là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng nhất của địa phương.

Tuy nhiên, mức độ tập trung dân số và sự nhộn nhịp của các hoạt động kinh tế - xã hội khiến các đô thị ngày càng dễ tổn thương trước các thảm họa và biến cố. Các rủi ro đối với đô thị gồm 3 nhóm, đó là các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên, các hiện tượng rối loạn trong hoạt động của bộ máy sản xuất và vận hành đô thị, tội phạm đô thị. 

Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi.

Gần đây, các thành phố, thị xã trong khu vực chứng kiến các sự cố ô nhiễm môi trường, các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên cùng với vấn đề căng thẳng của phòng, chống dịch bệnh ở người với tần suất ngày càng dày hơn, quy mô, tính chất ngày càng phức tạp khó lường hơn.

Cầu Cổ Lũy bắc ngang qua sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi.

Do vậy, việc quản trị rủi ro đô thị cần được đặt trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó với những gì đã xảy ra và cần gắn bó một cách chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa. Để đạt được mục tiêu đó, công tác quản lý rủi ro phải được đặt trong tất cả các kế hoạch phát triển của đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật đến xã hội, từ không gian đô thị đến kinh tế. Các biện pháp giải quyết hay kiểm soát rủi ro đô thị tiếp cận trên 4 trụ cột, gồm: các biện pháp kỹ thuật, các biện pháp về quy hoạch không gian, các biện pháp quản lý và các biện pháp bảo hiểm. 

Dịp này, thành phố Quảng Ngãi đã mời các chuyên gia thảo luận xoay quanh chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tai các đô thị ven biển” để cùng trao đổi, nâng cao nhận thức về quản trị rủi ro đô thị. Từ đó, các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế những giải pháp theo hướng thích ứng, có sự tham gia của chính quyền lẫn người dân trong quản trị đô thị, hướng đến sự bền vững và phục vụ tốt hơn cho cư dân đô thị.

Tại Quảng Nam, trong 10 năm gần đây, bờ biển Cửa Đại ở thành phố Hội An liên tiếp bị xâm thực, sạt lở, nhất là tại khu vực bãi tắm thuộc phường Cửa Đại và Cẩm An. Trước thực trạng này, Quảng Nam triển khai nhiều công trình, giải pháp ngăn sạt lở bước đầu phát huy hiệu quả.

Bình minh Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam).

Tại thành phố Đà Nẵng, thống kê của Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), từ năm 2015 - 2020, bờ biển Đà Nẵng có 12 điểm sạt lở với tổng chiều dài 8,47km. Tình trạng sạt lở bờ biển tại đây thường diễn ra vào những thời điểm có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới.

Liên tục nhiều năm qua, bờ biển Quảng Ngãi đặt trong tình trạng báo động. Mỗi năm bờ biển địa phương này bị triều cường xâm thực trung bình từ 5 - 10 m.

Tại hội nghị, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ đang tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị. Một đô thị phát triển tốt đánh giá sự phát triển toàn diện của địa phương đó. 

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Đây là dịp để Cụm đô thị duyên hải Nam Trung Bộ trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển. Một đô thị phát triển tốt góp phần cho tỉnh phát triển tốt. Một tỉnh phát triển tốt góp phần cho khu vực phát triển tốt. Một khu vực phát triển tốt góp phần cho cả nước phát triển tốt.

Khu dân cư ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi.

Trong chương trình hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý tham gia Hội thảo “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển”. Các chuyên gia đã giới thiệu kinh nghiệm của quốc tế trong công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực tiễn công tác quy hoạch đô thị gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các đô thị vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Nhận diện rủi ro thiên tai cho đô thị ven biển, cách tiếp cận đa ngành trong phòng ngừa và chống thiên tai theo định hướng thích ứng của khí hậu ven biển cùng những nội dung thiết thực, nâng cao nhận thức về quản trị rủi ro đô thị.

(Theo tcdulichtphcm.vn)

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn