Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) đã đón hàng nghìn đoàn khách trong nước, quốc tế tới dâng hương, tham quan. |
Từ khi đi vào hoạt động (tháng 12-2018) đến nay, Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) đã đón hàng nghìn đoàn khách trong nước, quốc tế.
Bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông TP. Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Khu di tích, cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang bố trí 6 cán bộ trường trực tại Khu di tích, với nhiệm vụ đón, dẫn khách dâng hương, tham quan, trải nghiệm. Từ đầu năm đến nay, Khu di tích đã đón gần 1.000 đoàn, với trên 100 nghìn lượt khách. Tới đây, từ nguồn kinh phí của TP. Thái Nguyên, Ban Quản lý Khu di tích sẽ tiến hành sửa chữa một số hạng mục, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.
Cùng với Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, trên địa bàn TP. Thái Nguyên còn có nhiều di tích tín ngưỡng - lịch sử - văn hóa, thu hút lượng lớn khách tham quan, có thể kể đến như: Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hang; Cụm di tích Việt Nam giải phóng quân tại TP. Thái Nguyên (chùa Đán, đình Hàng Phố, Khu chủ sự nhà Đèn); Di tích lịch sử Quốc gia một số địa điểm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 (dinh Công sứ, trại lính Khố Xanh, nhà lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng); Di tích thắng cảnh động Linh Sơn…
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có 116 di tích, trong đó có 6 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, du lịch văn hóa tâm linh nói riêng, TP. Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết định thành lập ban quản lý di tích để quản lý, tổ chức hoạt động bảo tồn theo đúng quy định. Ngoài ra, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, thành phố đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, dâng hương của nhân dân.
Chỉ tính riêng trong hai năm (2022-2023), từ nguồn xã hội hóa, thành phố đã huy động được gần 11,4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích, như: Chùa Hồng Long (phường Phan Đình Phùng), đền Túc Duyên (phường Gia Sàng), đình đền Gốc Sấu (phường Đồng Bẩm)… Hiện nay, thành phố đang lập hồ sơ đề nghị tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên bằng nguồn xã hội hóa, với dự toán kinh phí thực hiện gần 14,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng năm, TP. Thái Nguyên duy trì tổ chức trên 40 lễ hội, gắn du lịch văn hóa tâm linh với các hình thức tham quan, vãn cảnh. Các lễ hội truyền thống gắn với việc tổ chức trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo khách du lịch. Một số lễ hội tiêu biểu đang được khai thác phục vụ du lịch, như: Lễ hội hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương; Lễ hội chùa Hang; Lễ hội chùa Phù Liễn…
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đã có 850 nghìn lượt du khách đến tham quan tại các điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố (tăng gần 100 nghìn lượt khách so với năm 2022); doanh thu từ du lịch đạt gần 2.500 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng).
Thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch của địa phương tới du khách trong nước, quốc tế; đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa tâm linh; đẩy mạnh việc bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, duy trì các lễ hội truyền thống. Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch văn hóa tâm linh...
(Theo baothainguyen.vn)