Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 50,8121 km2, dân số trên 15 vạn người, có 9 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 2 xã. Từ khi trở thành đô thị loại III vào năm 2004, thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2006 và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lên đô thị loại II vào năm 2014, đã khẳng định vai trò, vị trí của Vĩnh Yên là hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của Tỉnh Vĩnh Phúc. Xác định rõ điều đó, thành phố Vĩnh Yên tập trung phát triển Dịch vụ và Công nghiệp cao ít ô nhiễm môi trường là ưu tiên hàng đầu và phát triển theo hướng thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Kinh tế của thành phố trong giai đoạn 2011- 2015 tốc độ bình quân đạt 17,8%/năm, trong đó: Dịch vụ tăng 22,9%/năm; Công nghiệp – Xây dựng tăng 13,4%/năm; Nông nghiệp tăng 4,0%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được thành phố chỉ đạo sát, nghiêm túc theo đúng quy hoạch của tỉnh, trong 5 năm thành phố đã quy hoạch được 28 khu đô thị với tổng diện tích 1.239,89ha; điều chỉnh 04 khu với tổng diện tích 192,38ha. Trong đó, có các quy hoạch lớn, mang tính định hướng phát triển lâu dài như: Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc; Khu đô thị đại học Vĩnh Phúc; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên; khu vực xung quanh Đầm Vạc…; kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp; nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trở thành những điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan đô thị như: Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát lớn, khu Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, khu du lịch sinh thái Nam Đầm Vạc…. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Cuộc vận động “Xây dựng đô thị văn minh” được tập trung chỉ đạo, góp phần hình thành nếp sống văn minh đô thị, xây dựng thành phố Vĩnh Yên ngày càng văn minh, hiện đại.
Để xây dựng và phát triển thành phố Vĩnh Yên theo hướng đô thị xanh ngày càng văn minh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 của đô thị loại I trực thuộc Tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh tế thành phố sẽ phát triển theo hướng xanh và bền vững, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng Thương mại Dịch vụ, giảm dần tỷ trọng Công nghiệp xây dựng và Nông – Lâm – Ngư nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020 phấn đấu đạt 16 – 17%/năm, trong đó khu vực dịch vụ tăng khoảng 19 - 20%/năm; Công nghiệp xây dựng tăng bình quân 13 - 14%/năm; Nông, Lâm nghiệp tăng bình quân 2 – 2,5%/năm. Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 63 - 64%, ngành Công nghiệp – xây dựng chiếm 35 - 36% và ngành Nông nghiệp chiếm dưới 1%. Đến năm 2020, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đảm bảo không gian sống an toàn, có chất lượng cao cho người dân trong thành phố, giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 195 triệu/người/năm (tương đương với 9.200 USD). Thu ngân sách hằng năm tăng bình quân trên 8%/năm. Bên cạnh đó Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các khu đô thị mới, tạo lập các khu vực phát triển mới trên cơ sở lấy hoạt động cải thiện môi trường làm nền tảng đầu tư cho môi trường kinh doanh, từ đó tạo lòng tin để các doanh nghiệp xúc tiến, đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh việc phát triển đô thị thành phố tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, đưa giáo dục – đào tạo thành phố Vĩnh Yên trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và hội nhập của thành phố; Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao trình độ dân trí, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đô thị sinh thái “xanh, sạch, đẹp”, tạo lập nếp sống văn minh trong xã hội; Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh bằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong thời gian tới thành phố Vĩnh Yên tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch; xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị, theo hướng đồng bộ, hiện đại phù hợp với thực tế từng giai đoạn và xu thế phát triển chung của cả tỉnh; xây dựng các tuyến phố có kiến trúc hiện đại, văn minh, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của một thành phố dịch vụ, du lịch và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là điều chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố. Trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị, công viên, hệ thống hồ, đầm của thành phố. Đến năm 2020, diện tích cây xanh toàn thành phố bình quân đầu người khoảng 14 -15m2/người. Thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước của các sông ngòi, hồ, đầm công cộng bằng biện pháp chống xả thải, giám sát xả thải trực tiếp vào nguồn nước mặt của thành phố. Đến năm 2020 thành phố sẽ xử lý trên 90% lượng nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường, có hệ thống thu gom nước thải để tập trung xử lý và thu gom xử lý trên 90% chất thải rắn đô thị.
Với những lợi thế về địa chính trị và truyền thống thành phố Vĩnh Yên anh hùng, Vĩnh Yên trong tương lai, sẽ phát triển theo đúng định hướng mà tỉnh và thành phố đã đặt ra đó là: Cơ bản đạt tiêu chí là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào trước năm 2020, hướng tới thành phố thông minh; có nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường; xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nếp sống văn minh, thân thiện; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; thu nhập và đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; bảo đảm Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực phát triển./.