Chuỗi Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và các địa phương liên quan tổ chức

21.07.2023 ACVN Office
Để góp phần giúp các địa phương triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, tiếp theo Hội thảo đầu tiên được tổ chức thành công vào ngày 07/3/2023 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và các UBND tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Hậu Giang tổ chức chuỗi Hội thảo về “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững” gắn với từng vùng đô thị theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo đầu tiên “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Vùng Trung du và miền núi phía Bắc” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Sơn La tổ chức vào ngày 11/7/2023 tại thành phố Sơn La. Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Chính sách về quản lý rủi ro thiên tai, từ kiến thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp; các ví dụ và thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách trên tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương kèm theo đó là các công cụ và phương pháp cụ thể được sử dụng ở Pháp để áp dụng cách tiếp cận khả năng chống chịu trong thực tế, tập trung vào các dự án đô thị, công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng.

Quang cảnh Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc” tại thành phố Sơn La ngày 11/7/2023 [Ảnh: BTC hội thảo]

Hội thảo thứ hai “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vào ngày 14/7/2023. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, như: 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững. Để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP, Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng. Trong đó, lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết... với đường bờ biển dài và đẹp, cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế. Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ tại Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung” tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ngày 14/7/2023 [Ảnh: BTC hội thảo]

Tiếp nối thành công các Hội thảo tổ chức tại Sơn La và Quảng Trị, Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 18/7/2023 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tại Hội thảo, các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp (Cerema) đã trình bày hai báo cáo chính chia sẻ về 7 trụ cột của chính sách phòng ngừa rủi ro, tích hợp tầm nhìn của một chính sách tổng hòa; các mục tiêu và biện pháp tính đến rủi ro trong quy hoạch vùng; tích hợp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách công; và Các ví dụ và thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách quản lý rủi ro thiên tai tại các vùng đồng bằng (cửa sông) và cách tiếp cận khả năng chống chịu cấp địa phương. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, hỏi - đáp với các chuyên gia về những nhóm vấn đề liên quan đến: cơ chế chính sách quản lý rủi ro thiên tai trong công tác quy hoạch đô thị; những thách thức trong quản lý quy hoạch gắn với phòng ngừa rủi ro phù hợp với điều kiện tự nhiên, hạ tầng tại từng địa phương; chia sẻ các giải pháp nhằm lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào công tác quy hoạch đô thị tại Hậu Giang cũng như các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…

Đại biểu tham dự Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ngày 18/7/2023 [Ảnh: BTC hội thảo]

Kết thúc chuỗi hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng tình với các chia sẻ, kiến nghị và nhấn mạnh một số nội dung như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách giúp cho việc tích hợp phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Cần sớm hoàn thiện chính sách, thông tư, hướng dẫn, tài liệu về các nội dung liên quan đến vấn đề tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị. Cần đẩy nhanh hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị. Chú trọng bảo vệ không gian xanh, hạ tầng xanh, gắn kết nông nghiệp bền vững; Ưu tiên nguồn lực cho quy hoạch và phát triển đô thị ở các địa phương. Các kinh nghiệm của Pháp trong ứng phó rủi ro thiên tai, lồng ghép với quy hoạch của địa phương; Coi lồng ghép vào quy hoạch là 1 trong 7 trụ cột lớn. Tích hợp rủi ro phải nhiều cấp độ; Xây dựng phương pháp tiếp cận tổng thể, lựa chọn cách tiếp cận đa thiên tai và đa rủi ro; cần thiết nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.

                                                                                                                                                                          Nguồn: https://kinhtetrunguong.vn/

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn