Khí hậu có 4 mùa rõ rệt: mùa hè nóng, ẩm, có mưa từ tháng 5 đến tháng 9; mùa đông khô hanh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau do nằm ở địa đầu phía Bắc, lại là thung lũng lòng chảo án ngữ bởi ba dãy núi cao: dãy Công Sơn, Mẫu Sơn có đỉnh cao 1.541 m, dãy núi Khau Mạ cao mở về phía Tây và phía Đông làm cho thành phố trở thành một trong những thành phố về mùa đông, nhiệt độ lạnh nhất cả nước.
Thành phố Lạng Sơn được thành lập vào tháng 10/2002 với 8 đơn vị hành chính gồm 05 phường, 03 xã. Là đơn vị hành chính cấp huyện loại I, đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Dân số là 93.015 người (theo niên giám thống kê năm 2015) với nhiều dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 44% dân số; dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số, gồm dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Mường, Dao, Thái, H’mông...
Thành phố Lạng Sơn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước, là cầu nối giao lưu kinh tế quốc tế, mang lại nhiều ưu thế để phát triển thương mại và dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,7% (không đạt mục tiêu đề ra là 14%). Cơ cấu nhóm ngành trong GDP năm 2015: Thương mại dịch vụ, du lịch chiếm 68% GDP; Công nghiệp, xây dựng chiếm 29,6% GDP; Nông lâm nghiệp chiếm 2,4% GDP. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 60,6 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 là 192,3 tỷ đồng, trong đó thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ là 149 tỷ đồng, chiếm 77,5% trong tổng thu ngân sách. Thu ngân sách hằng năm tăng 15-20%.
Ngành thương mại - dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Thành phố có 05 chợ; 05 trung tâm thương mại, siêu thị và nhiều của hàng kinh doanh tiện lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 là 7.032 tỷ đồng, hiện nay trên địa bàn có trên 800 doanh nghiệp đang kinh doanh, 16 HTX và trên 5 nghìn hộ cá thể đang hoạt động sản xuất và kinh doanh. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển ở tất cả các thành phần kinh tế, thị trường mở rộng, lưu thông hàng hoá thông suốt, đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ, hàng hoá ngày một cao đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân và khách thập phương đến với thành phố.
Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề ngày càng được quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. Các lễ hội hội truyền thống được khôi phục và phát triển, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc thu hút nhân dân và du khách. Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện tốt và có hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì ổn định ở mức 0,9%/năm. Việc thực hiện các chính sách xã hội, công tác xóa nghèo được quan tâm của các ngành, các cấp và của toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn 0,22%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. 100% thôn bản đã có điện lưới quốc gia, trên 95% dân số được dùng nước sạch. Số máy điện thoại cố định đạt tỷ lệ 57,1 máy/100 dân.
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác vận hành tốt hệ thống thông tin hiện có, đảm bảo việc trao đổi thông tin thông suốt, giảm thiểu ách tắc, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành từ thành phố đến cơ sở. Công tác cải cách hành chính, rà soát công khai minh bạch thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính được triển khai tích cực. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được tăng cường, củng cố vững mạnh, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thành phố luôn phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II, vào năm 20120 trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng phát triển thành phố, nhiều công trình lớn mọc lên, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị đã và đang được triển khai thực hiện góp phần xây dựng Thành phố Lạng Sơn ngày một khang trang, xanh, sạch, đẹp và hiện đại hơn như: Công trình cầu 17/10; công viên Chi Lăng giai đoạn 2; Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop house; các khu đô thị Phú Lộc I diện tích 14,2ha, Phú Lộc II diện tích 10,68ha, Phú Lộc III diện tích 9,52ha, Phú Lộc IV diện tích 39,4ha, khu đô thị Nam Hoàng Đồng 1 diện tích 57,17ha; khu tái định cư và dân cư Nam thành phố diện tích 32,24ha; dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn (đang được triển khai và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018 góp phần xử lý khoảng 86% lượng nước thải trên địa bàn thành phố); một số tuyến đường đô thị được chỉnh trang nâng cấp như đường Hùng Vương, Nhị Thanh, Trần Quang Khải, Tam Thanh, Văn Miếu, Chùa Tiên…; một số dự án lớn khác sẽ tiếp tục được triển khai, đầu tư xây dựng như: Dự án Cầu Kỳ Cùng; khu đô thị mới Mai Pha với diện tích 89,54ha; bên cạnh các dự án lớn các tuyến đường đô thị, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng công cộng và đèn trang trí đường phố đã được đưa vào các đề án để tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trong những năm tới.
Công trình Cầu 17-10
Bên cạnh đó, thành phố Lạng Sơn cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các cơ sở tín ngưỡng dân gian, trong đó có 13 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia (Chùa Tiên, Chùa Thành, Đoàn Thành, Đền Cửa Đông, Cửa Tây, Cửa Nam, Cửa Bắc - phường Chi Lăng; Khu quần thể di tích Nhị, Tam Thanh - phường Tam Thanh; Đền Kỳ Cùng, di tích khảo cổ học Núi Phai Vệ - phường Vĩnh Trại; Nhà lưu niệm đ/c Hoàng Văn Thụ, đền Tả Phủ - phường Hoàng Văn Thụ; di tích khảo cổ học Mai Pha - xã Mai Pha) và 07 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh.
Những danh thắng nổi tiếng đã đi vào thơ, ca như: quần thể di tích Nhị - Tam Thanh gồm động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành Nhà Mạc và Núi Vọng Phu được coi là “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng”; là danh thắng Chùa Tiên, bến đá sông Kỳ Cùng; quần thể các hang động gắn liền với di chỉ khảo cổ văn hoá Mai Pha...
Vào dịp đầu xuân, Thành phố có 7 lễ hội truyền thống gắn với các di tích là lễ hội Chùa Tiên, Chùa Tam Thanh, Đền Kỳ Cùng, Đền Tả Phủ, đền Vua Lê, đình Pác Moòng và lễ hội xuống đồng làng Khòn Lèng phường Tam Thanh thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương dự hội. Các lễ hội mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc; ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch sâu sắc.
Đặc biệt, từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội Đền Tả Phủ và lễ hội Đền Kỳ Cùng, theo đó, các hoạt động chính sẽ diễn ra trong hai ngày 22 và 27 tháng Giêng bằng việc rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và kết thúc vào ngày 27 sau khi đã diễn ra hội cướp đầu pháo cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Vào ngày lễ, Nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn tùy điều kiện mà sắm các mâm lễ, sản vật to nhỏ bày trước cửa nhà mình cùng dâng lên quan lớn Tuần Tranh khi kiệu rước qua. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc và các hoạt động văn hóa dân gian sinh động, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng quy mô ngày một rộng lớn, thu hút hàng vạn Nhân dân và du khách thập phương tham dự. Năm 2015 lễ hội Đền Tả Phủ và lễ hội Đền Kỳ Cùng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di tích núi Phai Vệ trên địa bàn phường Vĩnh Trại là một trong những di tích khảo cổ học có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học lớn với người dân thành phố Lạng Sơn. Tháng 2 năm 1960 nơi đây đã chứng kiến Bác Hồ nói chuyện với đồng bào Lạng Sơn. Tháng 10/2014, công trình sửa chữa, cải tạo cột cờ trên đỉnh núi Phai Vệ được hoàn thành với hình ảnh Cột cờ trên đỉnh núi Phai Vệ là điểm nhấn, là địa danh chứng kiến những dấu ấn, chứng kiến sự phát triển, sự vươn lên của thành phố.
Công trình Cột cờ núi Phai Vệ
Với những lợi thế về vị trí địa lý, tiền năng phát triển và nét văn hóa độc đáo của Xứ Lạng, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Lạng Sơn quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố ngày càng khang trang, hiện đại và trở thành đô thị loại II trong thời gian tới.
UBND TP. Lạng Sơn