Thị xã Tịnh Biên: Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế

30.10.2023 ACVN Office
Tối 25-4, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.

Sau 5 năm được công bố đô thị loại 4, Tịnh Biên đã chuyển mình trở thành thị xã Tịnh Biên năng động, đầy tiềm năng - Ảnh: NGUYỄN HẢO

Thị xã thành lập trên cơ sở nguyên trạng gần 355km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 143.000 người của huyện Tịnh Biên, với 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 7 phường và 7 xã.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới, là cơ hội thuận lợi để Tịnh Biên bứt phá vươn lên.

Tịnh Biên là cửa ngõ quan trọng phía tây nam của Tổ quốc

Nằm ở phía tây nam của Tổ quốc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm TP Long Xuyên 70km, cách TP.HCM 255km và chỉ cách thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia 120km.

Huyện Tịnh Biên có 14 xã, thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên 354km2, dân số 143.000 người. Tịnh Biên luôn giữ vị trí quan trọng đối với An Giang cũng như cả nước trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, là cửa ngõ đưa du khách và hàng hóa sản xuất trong nước sang thị trường nước bạn Campuchia, Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng là vùng du lịch trọng điểm của cả nước.

Lễ hội đua bò Bảy Núi, sự kiện thu hút hàng ngàn du khách - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 13%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/người/năm. 

Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều là 3,58%, chất lượng sống đô thị ngày một nâng cao, tỉ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố ngày càng tăng. Nhiều khu dân cư cao cấp hình thành, tạo cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.

Giai đoạn 2015-2020, Tịnh Biên đã thu hút 25 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 33 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 10.800 tỉ đồng. 

Trong đó, dự án điện năng lượng mặt trời Sao Mai, khu công viên nước Thanh Long, điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng rừng tràm Trà Sư… góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện.

 

Lượng khách đổ về khu du lịch Núi Cấm có hàng chục ngàn lượt khách trong ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tịnh Biên là vùng đất có vị thế trọng yếu về giao thông thủy bộ, kết nối qua hai tuyến quốc lộ 91, quốc lộ N1 và gắn kết với các trung tâm lớn như TP Châu Đốc, TP Long Xuyên, TP Hà Tiên (Kiên Giang) và các tỉnh thành phụ cận vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia. Đây là cửa ngõ giao thương quan trọng hàng đầu trong ba cửa khẩu quốc gia và quốc tế của tỉnh An Giang.

Nơi đây còn có lợi thế lớn để phát triển du lịch với hơn 10 ngọn núi lớn, nhỏ, đặc biệt là ngọn Thiên Cấm Sơn, gắn liền với những huyền thoại kỳ bí, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước tham quan, thưởng ngoạn. 

Núi Cấm cao khoảng 716m, khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví như phiên bản Đà Lạt của miền Tây, cùng tượng Phật Di Lặc trên núi cao nhất châu Á là một điểm nhấn đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mỗi dịp xuân về.

Du khách tham quan điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (nơi trú ngụ của hơn 70 loài chim, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam), cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Hà Tiên (Kiên Giang) và nhiều địa danh khác... kết nối với Khu du lịch quốc gia Núi Sam, TP Châu Đốc đã hình thành tuyến du lịch đặc sắc của quốc gia tập trung tại vùng Bảy Núi. 

Từ đó, ngành công nghiệp không khói ở Tịnh Biên ngày càng phát triển, trở thành vùng trọng điểm phát triển du lịch…

Tịnh Biên là vùng đất nhiều tiềm năng

Năm 2022, huyện đã và đang đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 15 công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, với tổng mức đầu tư hơn 33 tỉ đồng; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng gần 118 tỉ đồng để thực hiện 89 dự án. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm đã triển khai... trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm là điểm nhấn trọng tâm của ngành du lịch tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửu khẩu quốc tế Tịnh Biên đạt trên 620 triệu USD. Toàn huyện có các siêu thị và 21 chợ lớn nhỏ các loại. Trong đó, chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên là chợ đầu mối lớn kinh doanh đa dạng các mặt hàng, bán buôn, bán lẻ, phân phối hàng hóa đến nhiều thị trường trong và ngoài huyện.

Tại Tịnh Biên có hai hoạt động đặc sắc là Hội chợ thương mại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Lễ hội đua bò Bảy Núi (luân phiên tổ chức giữa Tịnh Biên và Tri Tôn - PV). 

Sắp tới địa phương sẽ mời gọi nhiều doanh nghiệp về tham gia hội chợ thương mại để trưng bày hàng hóa phục vụ phát triển du lịch. Đối với đua bò, sẽ từng bước nâng tầm lên lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Đầu tháng 7-2018, Tịnh Biên được Bộ Xây dựng công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 4. Trong 4 năm qua, Tịnh Biên đã phát triển 83 hạng mục công trình, bộ mặt đô thị của Tịnh Biên đã thật sự có nhiều chuyển biến rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn hạ tầng của đô thị thị xã.

(Theo tuoitre.vn)

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn