Đối tác quốc tế

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã phối hợp và kết nối với rất nhiều đối tác là các tổ chức quốc tế có uy tín nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chính quyền đô thị thành viên của Hiệp hội. Kết quả của các chương trình, dự án hợp tác đã mang lại những tác động tích cực, góp phần vào việc cải thiện công tác quản trị địa phương tại Việt Nam. Các đối tác quốc tế của Hiệp hội bao gồm các tổ chức sau:

Liên đoàn đô thị Canada (FCM)

Website:  http://www.fcm.ca

FCM được thành lập từ năm 1901, là tiếng nói của các chính quyền đô thị, đại diện cho quyền lợi của các đô thị về mặt chính sách và chương trình phát triển với hơn 2.000 thành phố thuộc mọi quy mô, từ các thành phố và cộng đồng nông thôn của Canada, đến các cộng đồng phía Bắc và 20 hiệp hội thành phố cấp tỉnh và lãnh thổ. Cùng nhau, họ đại diện cho hơn 92 phần trăm tổng số người dân Canada từ bờ biển này sang bờ biển khác. Các nhà lãnh đạo đô thị nhóm họp với nhau hàng năm để đưa ra quyết sách đối với các vấn đề chính của FCM.

Từ năm 1998, ACVN đã hợp tác với FCM triển khai các chương trình, dự án. Năm 1998, ACVN là một trong 7 đối tác trong Chương trình Quản lý Đô thị hợp tác giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Montreal do CIDA và FCM tài trợ. Từ năm 2003 đến năm 2010, FCM và ACVN đã hợp tác thực hiện Chương trình Đối tác Đô thị (FCM) do Cơ quan Hỗ trợ Phát triển quốc tế Canada tài trợ. Từ năm 2010 đến năm 2015, ACVN tiếp tục hợp tác với FCM thực hiện Chương trình "Đối tác đô thị Phát triển kinh tế" (MPED) do Cơ quan ngoại giao, thương mại và phát triển Canada (DFATD) tài trợ. Từ năm 2016-2021, ACVN hợp tác với FCM triển khai Chương trình “Hợp tác đổi mới chính quyền đô thị để Phát triển Kinh tế địa phương” (PMI-LED) do Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (Global Affairs Canada) tài trợ. Và từ năm 2018 đến năm 2021, hợp tác thực hiện Dự án Quản lý chất thải rắn đô thị do Bộ Môi trường Canada tài trợ. 

Viện Konrad Adenauer (KAS)

KAS_Logo1

Website:  http://www.kas.de

Viện Konrad Adenauer là một tổ chức chính trị, có văn phòng đại diện trên toàn thế giới, thực hiện hơn 200 dự án ở hơn 120 quốc gia. Cùng với các đối tác của mình, KAS Việt Nam mong muốn đóng góp cho việc xây dựng tự do, bình đẳng và đoàn kết thông qua một loạt các dự án. Các dự án tại Việt Nam nhằm mục đích: tăng cường và mở rộng các hệ thống hiến pháp; thiết lập hệ thống tư pháp độc lập; xúc tiến Tuyên bố chung về Hợp tác trên lĩnh vực pháp luật và tự pháp giữa Việt Nam và Đức ; thực hiện phi tập trung và dân chủ hoá cơ cấu nhà nước và hệ thống hành chính công; tăng cường và dân chủ hoá ở cấp độ địa phương; tăng cường tính đa nguyên thông qua tăng cường các nhóm lợi ích khác nhau; tăng cường tính chuyên nghiệp của cơ quan nghị viện; xây dựng hệ thống an ninh xã hội, là một phần trong nền kinh tế thị trường xã hội; hỗ trợ quá trình hội nhập quốc tế thông qua hình thành và phát triển các thể chế. 

Hiệp hội các đô thị Việt Nam bắt đầu hợp tác với Viện KAS từ năm 2005. Thông qua đó, Hiệp hội đã tổ chức các hôi thảo/thăm quan khảo sát về các lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Hiện nay, Hiệp hội đang phối hợp với Viện KAS để thực hiện Dự án EU - KAS – ACVN về "Tăng cường sự tham gia của người dân và quản trị đô thị ở các đô thị Việt Nam thông qua Hiệp hội các đô thị Viêt Nam" tài trợ bởi EU (2009-2011).

Liên minh quyền nhà ở châu Á (ACHR)

LogoACHR1

Web site: http://www.achr.net

Liên minh Quyền Nhà ở châu Á là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1988 thông qua nỗ lực của một nhóm các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội liên quan đến các hoạt động phát triển cộng đồng nghèo đô thị trên toàn châu Á. Hiện nay, ACHR bao gồm một mạng lưới các tổ chức cộng đồng ở cấp cơ sở, các tổ chức Phi chính phủ và các chuyên gia hoạt động tích cực trong lĩnh vực phát triển cộng đồng tại các đô thị của châu Á. Liên minh này đã nỗ lực kêt nối để đưa ra các hành động nhằm nâng cao cuộc sống của các cộng đồng nghèo đô thị. Ban Thư ký của ACHR đặt trụ sở tại Bangkok, giúp điều phối các chương trình trao đổi, hội thảo, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chuyến công tác tìm hiểu thực tế tại các địa phương, xuất bản ấn phẩm, truyền bá thông tin. Ngoài ra, cách thức tổ chức hoạt động phi tập trung của Ban Thư ký đã giúp nhân rộng và phổ biến các hoạt động của ACHR với tốc độ nhanh chóng, nhưng vẫn trên tinh thần mềm dẻo, linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương. Phương pháp làm việc đột phá của ACHR đã được quốc tế công nhận nhằm giải quyết vấn đề nghèo đô thị.

Hiệp hội các đô thị Việt Nam bắt đầu hợp tác với ACHR từ năm 2008 với việc thành lập Quỹ Phát triển Cộng đồng Quốc gia với thành viên là các đô thị thành viên của Hiệp hội. Chương trình hợp tác giữa ACVN và ACHR tập trung vào các hợp phần: hỗ trợ hoạt động của nhóm tình nguyện viên trẻ; hỗ trợ thực hiện các dự án tài trợ nhỏ để nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu nghèo đô thị, xây dựng tiến trình cộng đồng nghèo đô thị, xây dựng các nhóm tiết kiệm cộng đồng; thực hiện các dự án nhà ở cho các cộng đồng nghèo tại các đô thị của Việt Nam. Nhờ có sự hỗ trợ của ACHR, Quỹ Phát triển cộng đồng Việt Nam (CDF) đã có 29 đô thị thành viên Hiệp hội tham gia, trong đó có 15 đô thị đang thực hiện các dự án trong Chương trình Liên minh châu Á hành động vì cộng đồng (ACCA). Cho đến nay, hiện đang có ba dự án nhà ở đang được thực hiện tại các thành phố Hải Dương, Việt Trì, Vinh. Các hoạt động trên được tiến hành trong khuôn khổ Chương trình Liên minh châu Á hành động vì cộng đồng (ACCA) do ACHR tài trợ.

Viện Công nghệ châu Á (AIT)

ait1

Website:  http://www.aitcv.ac.vn

Học viện Công nghệ châu Á thúc đẩy các hoạt động cải tiến và phát triển công nghệ bền vững trong khu vực châu Á. Được thành lập năm 1959 tại Bangkok, AIT đã trở thành một cơ quan hàng đầu về đào tạo sau đại học và hợp tác tích cực với nhiều đối tác công và tư trên toàn khu vực và với các trường đại học hàng đầu trên thế giới. AIT được công nhận là một mối trường đào tạo, nghiên cứu đa quốc gia, đa văn hoá. Viện hoạt động như một cộng đồng quốc tế trong khuôn viên của Viện cách thủ đô Bangkok, Thái Lan 40 km về phía bắc.

Chương trình hợp tác giữa Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Viện Công nghệ châu Á được bắt đầu từ tháng 10 năm 2008 đến cuối tháng 3 năm 2010. Trong chương trình này, Hiệp hội đảm nhận vai trò kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam về Quản lý Môi trường đô thị khu vực Đông Nam Á (SEA – UEMA) với nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan Hỗ trợ Phát triển quốc tế Canada (CIDA).

Chương trình Nhà ở Liên hợp quốc (UN Habitat)

UN-Habitat_FOR_A_BETTER_URBAN_FUTURE_blue1

Website: http://www.unhabitat.org

UN HABITAT là một chương trình được thực hiện trong khuôn khổ Hệ thống Liên hợp quốc tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhà ở cho con người, với trọng tâm là Chương trình Nghị sự HABITAT, thực hiện các mục tiêu về nhà ở cho con người được đề cập trong Chương trình Nghị sự 21; thúc đẩy và tăng cường hợp tác với tất cả các đối tác là chính quyền địa phươnog, các tổ chức tư nhân và phi chính phủ để thực hiện Chương trình Nghị sự HABITAT và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Hiệp hội các đô thị Việt Nam bắt đầu hợp tác với UN HABITAT từ năm 2005 nhằm hỗ trợ thực hiện công tác Điều tra Khảo sát việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ tại khu vực đô thị (2005 – 2006); dự án "Hệ thống quan trắc đô thị tại Việt Nam" được khởi động từ tháng 3 năm 2010 trong khuôn khổ Chương trình Kế hoạch thống nhất các Chương trình của Liên hợp quốc với nguồn tài trợ của UN HABITAT và Liên hợp quốc.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

undp1

Website:  http://www.undp.org.vn

UNDP đã tích cực hoạt động tại Việt Nam từ năm 1977, và đã hỗ trợ cho các hoạt động phát triển của đất nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh Mỹ - Việt năm 1975. Chương trình cũng hỗ trợ tích cực cho công tác Quản trị Dân chủ, Giảm nghèo, Phòng chống và Khắc phục thiên tai, Năng lượng – Môi trường, và phòng chống HIV AIDS. Chương trình đã giúp đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua nhằm góp phần nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.

Hiệp hội các đô thị Việt Nam bắt đầu hợp tác với UNDP từ năm 2009 với tư cách là một cơ quan tổ chức Hội thảo "Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam, Cơ hội hiện tại và tương lai đối với các chính sách và hành động" nhằm thúc đẩy Nghiên cứu của các chuyên gia về Bộ Tài liệu Thảo luận liên quan đến chủ đề trên. Hội thảo đã diễn ra tháng 12 năm 2009 tại TP Đà Nẵng.

 Ngân hàng Thế giới (WB)

World_Bank_logo

Website:http://www.worldbank.org.vn

Ngân hàng Thế giới là một trong những cơ quan tài trợ lớn nhất, sở hữu nguồn tri thức lớn nhất nhằm hỗ trợ cho chính phủ các nước trên thế giới đầu tư vào các dịch vụ trường học, trung tâm chăm sóc sức khoẻ, các chương trình dự án nước sạch, điện; các chương trình phòng chống bệnh dịch; và bảo vệ môi trường. Ngân hàng thế giới hỗ trợ các dự án cho vay và viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ về kỹ thuật bao gồm hoạt động tư vấn và nghiên cứu. Mục tiêu chính của Ngân hàng thế giới là góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Hiệp hội các đô thị Việt Nam bắt đầu hợp tác với Ngân hàng Thế giới từ năm 2005 thông qua việc tổ chức 3 khoá đào tạo về "Quản lý Môi trường và Phát triển đô thị " cho các nhà lãnh đạo đô thị đến từ 3 vùng miền của Việt Nam (miền Bắc, Trung, Nam); tiến hành chuyến công tác khảo sát và phỏng vấn các thị trưởng về những thực tiễn tốt trong lĩnh vực quản trị địa phương tại các đô thị của Việt Nam. 

Liên minh các thành phố (CA)

Cities_Alliance_logo

Website:  http://www.citiesalliance.org

Liên minh các thành phố mong muốn đưa các đô thị, thành phố lại gần với nhau hơn thông qua một diễn đàn trực tiếp giữa các cơ quan, tổ chức song phương, đa phương và các tổ chức tài chính. CA mong muốn thúc đẩy các thành viên của mình đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các chính quyền địa phương, các đô thị ở tất cả các cấp nhận được sự hỗ trợ có tính hệ thống hơn từ cộng đồng quốc tế.

Thông qua Chương trình Liên minh Châu Á hành động vì cộng đồng (ACCA) do ACHR hỗ trợ, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã đề xuất một dự án thuộc Chương trình toàn cầu về "Đất đai, Dịch vụ và Người dân" (LSC) để đệ trình Liên minh các thành phố. Đề án mang tên "Củng cố và mở rộng hoạt động của Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) và hoạt động của các cộng đồng nghèo đô thị". Giai đoạn 2013-2016, Liên minh các thành phố (CA) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ ACVN triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ tiến trình nâng cấp toàn thành phố trong 20 thành phố vừa và nhỏ ở Việt Nam” hỗ trợ các cộng đồng nghèo, các hộ gia đình, các hội liên hiệp phụ nữ tại các thành phố hội viên của ACVN.

Liên minh các thành phố và chính quyền địa phương Châu Á Thái Bình Dương (UCLG ASPAC)

Website: https://uclg-aspac.org/

Liên minh các Thành phố và Chính quyền địa phương khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UCLG ASPAC) là tổ chức hiệp hội cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương được Liên hợp quốc công nhận, là một chi nhánh khu vực của UCLG Thế giới, được thành lập năm 2004 tại Đài Bắc (Đài Loan), và có trụ sở tại Jakarta (Indonesia). UCLG ASPAC hiện có hơn 7.000 thành viên là các chính quyền địa phương trong toàn khu vực, đại diện cho hơn 3,76 tỷ người và chiếm một nửa dân số thế giới. 

Nhận thấy vai trò kết nối và hỗ trợ hợp tác phát triển giữa các thành phố, chính quyền địa phương trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã gửi đề nghị tham gia là thành viên và được IULA-ASPAC (nay là UCLG ASPAC) công nhận là thành viên của tổ chức từ năm 2002. Đến nay, Hiệp hội đã tham gia nhiều hoạt động, mạng lưới kết nối và học tập được các kinh nghiệm, cũng như chia sẻ bài học tốt về quản trị địa phương, quản lý đô thị... thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện do UCLG ASPAC tổ chức.

 CITYNET

Website: https://citynet-ap.org/

Trong 20 năm qua, CITYNET (Mạng lưới Vùng của các chính quyền địa phương về vấn đề Quản lý tái định cư ) đã tự cam kết giúp các chính quyền địa phương nâng cao tính bền vững của vấn đề định cư. Bắt đầu với 26 thành viên năm 1987, CITYNET đã trở thành một tổ chức quốc tế với hơn 100 thành viên của hơn 20 quốc gia, hầu hết các thành viên là các thành phố và chính quyền địa phương ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Với nhiệm vụ là hướng tới các thành phố thân thiện với con người, bền vững về xã hội, sinh thái, dân chủ chính trị, hiệu quả kinh tế cao, đa dạng văn hoá và kết nối toàn cầu .

 

Bài viết khác

 

Video

Video

Video

Video

Video

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn